Bệnh rầy nâu phát triển mạnh nhất vào thời kỳ lúa mọc tới đẻ nhánh (sau sạ 25 ngày) và rầy cám nảy nở khi lúa được 15-20 ngày.
Để hạn chế rầy nâu di trú cần gieo sạ theo lịch thời vụ của địa phương, dùng thuốc hóa học xử lý giống. Nếu mật độ rầy trưởng thành nhiều thì cần dùng thuốc diệt trừ nhanh. Mật độ rầy cám từ 1 con/nhánh cần dùng thuốc. Trừ rầy cám chủ yếu dùng thuốc chống lột xác Buprofezin và thuốc sinh học đầu trâu Bi-Sad 0.5 ME, Vibamec… Không dùng thuốc tổng hợp và lân hữu cơ để bảo vệ thiên địch.
Khi lúa khoảng 25-45 ngày sau sạ (giai đoạn đẻ nhánh đến làm đòng), rầy nâu trưởng thành phát sinh và rầy cám nở rộ. Nếu mật độ rầy trên 2 con/nhánh cần phun thuốc. Nông dân cần nhổ bỏ cây bị bệnh và chăm bón đúng kỹ thuật. Phun thuốc tăng sức đề kháng cho cây như các chất Chitosan, Acid Salycilic, Acid Humic.
Sâu cuốn lá nếu phát sinh gây hại ở mức độ khoảng 10% số lá thì phun thuốc. Khi phát hiện nên phun thuốc sớm lúc sâu non còn nhỏ. Bệnh đạo ôn sẽ phát sinh gây hại từ cuối tháng 12 đến giữa tháng 1 ở thời kỳ đẻ nhánh rộ (20-35 ngày sau sạ), khi bệnh phát sinh hạn chế bón đạm, bón thêm kali, giữ nước ruộng và phun thuốc đặc trị.
Lúa đến giai đoạn từ đòng đến trỗ chín, sâu bệnh gây hại phổ biến vẫn là rầy nâu, sâu cuốn lá và bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá. Bệnh đốm vằn phát triển, phòng trừ bệnh đốm vằn bằng bón thúc đủ kali, giữ nước ruộng và phun thuốc đặc trị.
Nông dân cần chủ động phòng trừ tác hại của sâu bệnh trong cả vụ nên áp dụng biện pháp: Gieo sạ theo hướng dẫn của địa phương để tránh né rầy nâu; sạ lúa theo hàng bằng máy, vừa giảm lượng giống, vừa góp phần hạn chế sâu bệnh; bón NPK chuyên dùng cho lúa, giúp cây khỏe mạnh và tăng sức đề kháng sâu bệnh.