Xây dựng niềm tin với người tiêu dùng
Là một doanh nghiệp đã có 5 năm kinh nghiệm trong việc kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp an toàn, ông Nguyễn Tiến Hưng, Giám đốc Công ty TNHH thực phẩm sạch Biggreen Việt Nam cho rằng: Do thị trường chưa minh bạch rõ ràng, những công ty bán sản phẩm an toàn thật và những công ty bán sản phẩm chưa an toàn thực sự đang rất lập lờ. Bên cạnh đó, cơ chế chính sách cho các sản phẩm này vẫn còn nhiều bất cập.
Kết quả khảo sát của Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản mới đây cho thấy, giá bán rau được chứng nhận VietGAP chỉ cao hơn giá bán rau thường ngoài thị trường từ 2 - 5%. Trong khi hệ thống phân phối rau an toàn ở các địa phương chưa được mở rộng, thì thói quen mua sắm của người tiêu dùng vẫn là các chợ truyền thống. Thậm chí nhiều “thượng đế” còn có tâm lý e ngại, không tin tưởng vào chất lượng của rau an toàn khi vẫn còn tình trạng vì lợi nhuận các đơn vị bán lẻ sẵn sàng trà trộn rau bình thường để bán với giá cao.
Theo ông Ngô Tùng Thu, hiện chênh lệch cung - cầu đối với các sản phẩm an toàn vẫn còn khoảng cách khá xa. Ngoài khâu sản xuất đảm bảo các tiêu chí, việc quản lý các chứng chỉ cũng còn bộc lộ nhiều hạn chế nên tâm lý người tiêu dùng vẫn còn nhiều e ngại khi lựa chọn, phân biệt các sản phẩm.
Để các dự án trồng rau an toàn phát triển bền vững, ông Đào Thế Anh cho rằng, vấn đề kiểm soát chất lượng phải được thực hiện thường xuyên và công khai, minh bạch. Việc xây dựng niềm tin với người tiêu dùng được cho là mấu chốt để đảm bảo sự thành công của các dự án sản xuất rau an toàn.
Theo ông Trần Xuân Định, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để các sản phẩm an toàn đến với người tiêu dùng, bên cạnh việc củng cố quản lý nhà nước về công tác thanh tra, giám sát, quản lý thị trường rất cần có những chính sách hỗ trợ và nhân rộng các mô hình sản xuất an toàn trên quy mô lớn. Cùng với đó, cần tăng cường tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức cho cả người sản xuất và tiêu dùng về an toàn thực phẩm, về sản xuất an toàn, đặc biệt đối với lĩnh vực sản xuất rau, quả.
Đổi mới cách đánh giá
VietGAP là quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành đã 6 năm. Tuy nhiên, với quá nhiều tiêu chí kiểm soát và nông dân phải ghi chép nhật ký sản xuất phức tạp, nên tiêu chuẩn này gặp rất nhiều khó khăn trong việc nhân rộng.
Theo ông Đào Thế Anh, Phó Viện trưởng Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm, VietGAP chỉ có thể chứng nhận cho những trang trại, cánh đồng quy mô lớn, không phù hợp với sản xuất nhỏ, thậm chí rất nhỏ. Việc chứng nhận sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn VietGAP phải thông qua một số tổ chức chứng nhận chất lượng. Vì vậy, chỉ một số ít cơ sở sản xuất liên kết với doanh nghiệp có hợp đồng bao tiêu sản phẩm, hoặc các cơ sở sản xuất có sự hỗ trợ của dự án mới chứng nhận. Theo ông Ngô Tùng Thu, Quản đốc dự án Sinh kế nông thôn bền vững tại Bình Định, sản phẩm áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP chủ yếu là hướng tới xuất khẩu, chưa phục vụ được nhu cầu tiêu dùng nội địa.
Nhận thấy khó khăn trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành BasicGAP, đơn giản hơn rất nhiều, từ việc phải ghi chép 65 chỉ tiêu như VietGAP giảm xuống còn 26 chỉ tiêu cơ bản để thích nghi với việc chứng nhận trên các hộ nông dân nhỏ. Theo đó, BasicGAP chắt lọc những tiêu chí quan trọng, cơ bản nhất của VietGAP, song sản phẩm sản xuất ra vẫn đảm bảo tiêu chí an toàn thực phẩm và truy xuất được nguồn gốc. Các tiêu chí cơ bản này cũng hướng tới tính bền vững, tính khả thi (dễ tiếp cận) đối với đại đa số các hộ sản xuất nhỏ lẻ.
“Đây sẽ là điều kiện thuận lợi để cải thiện an toàn thực phẩm cho các hộ sản xuất nhỏ. BasicGAP cơ bản hướng đến mục tiêu giúp người sản xuất tiếp cận các tiêu chí kiểm soát từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp. Việc áp dụng BasicGAP góp phần từng bước nâng cao tỷ trọng sản phẩm an toàn cho chính người tiêu dùng trong nước bởi hiện nay, 90% lượng rau sản xuất ra được tiêu thụ ở thị trường nội địa”, ông Đào Thế Anh, nhấn mạnh.