Cách đây vài năm, phong trào nuôi các loài đặc sản rất thịnh hành. Mỗi lần trên thị trường xuất hiện loài mới, là tạo ra cơn sốt giống khiến giá trị thực bị đẩy lên gấp cả chục lần. Nay thị trường con đặc sản trở nên bão hòa, song đây vẫn là một nghề có thu nhập tốt. Chúng tôi gặp ông Dương Đức Hiệp, Chủ tịch Hội Nhím TP Sơn La khi hội của ông vừa tiến hành họp tổng kết năm 2014. Sau thời gian nhím lên cơn sốt, từ năm 2009 - 2011 giá một cặp nhím giống có lúc lên tới 17 triệu đồng, số lượng người nuôi nhím tăng chóng mặt, lên gần 3.000 hội viên thì vừa rồi tổng kết lại tại Sơn La chỉ còn trên 1.000 hộ còn theo nghề. Theo chia sẻ của ông Hiệp, hiện nhím giống tại Sơn La được bán với giá 1,8 - 2 triệu đồng/cặp và nhím thương phẩm giá 160.000 - 180.000 đồng/kg. Với giá bán này, bình quân nuôi 1 con nhím trong 1 năm cho lợi nhuận khoảng 1 triệu đồng, so với chăn nuôi các loài vật truyền thống khác như lợn, gà, vịt vẫn cao và nhàn hơn rất nhiều. Ông Hiệp cho rằng, chính ra thị trường chăn nuôi nhím ổn định và trở về giá trị thực như hiện nay người chăn nuôi lại dễ kinh doanh và tiêu thụ hơn bởi thị trường ít bị biến động mạnh về giá nhím thịt cũng như nhím gống. Rất nhiều hộ dân ở tỉnh Sơn La vẫn duy trì nuôi hàng trăm cặp nhím, không quá vất vả song hàng năm vẫn thu lãi vài trăm triệu đồng. Còn anh Trần Ngọc Hiếu, Chủ tịch HĐQT, TGĐ Cty CP Thương mại Vương Thảo (Thái Thụy, Thái Bình) vẫn chưa quên những năm thị trường cá sấu sốt. Anh Hiếu nhớ lại, thời điểm phong trào nuôi cá sấu phát triển mạnh tại Việt Nam giá một con cá giống dài 90 - 100 cm (3,5 - 4 kg/con) tương đương cả một chỉ vàng 9999. Nay giá cá sấu thương phẩm dao động trong khoảng trên dưới 230.000 đồng/kg và giá giống khoảng 1 triệu đồng/con, người nuôi vẫn hoàn toàn có lợi nhuận khá bởi theo anh Hiếu, giá thành nuôi 1 kg cá sấu tại hiện chỉ vào khoảng trên dưới 60.000 đồng. Vì vậy, xét cho cùng các loài vật nuôi truyền thống trên cạn khác ít con sánh được với cá sấu ngay cả ở thời điểm không bị sốt giống. Cùng với nhím, cá sấu rất nhiều những vật nuôi đặc sản khác từng “làm mưa làm gió” trong quá khứ như hươu sao, lợn rừng, chim trĩ, dế, giun quế, ếch, rắn…. sau khi cơn bão sốt giống tràn qua khiến nhiều hộ gia đình lâm cảnh phá sản, nợ nần thì nay vẫn còn một lượng rất lớn những hộ theo nghề, sống tốt với nghề và sống bằng giá đúng trị thực giá của vật nuôi đặc sản chứ không phải nhờ giá ảo. Anh Dư Văn Hai, một cao thủ chuyên “đi trước đón đầu” nuôi con đặc sản tại thôn Bản Long, xã Minh Quang (Tam Đảo, Vĩnh Phúc) đến lúc này phải tâm sự thật với chúng tôi rằng, giờ rất khó để “cướp được tiền” nhờ bán giống đặc sản như trước nữa
Trước đây, khi con đặc sản đang trong con sốt, anh Hai từng bán được giá 1 con dế giống cả trăm nghìn đồng, bán dúi vài triệu đồng/con rồi bán rắn với giá cao chót vót. Nay, việc tiêu thụ các con đặc sản với anh Hai như dúi, rắn, don, kỳ đà… vẫn diễn ra bình thường, nhưng tốc độ chậm hơn. Khách mua giống đặc sản giờ bình thản nâng lên đặt xuống rất kỹ lưỡng chứ không có kiểu nháo nhào “tranh mua bán cướp” như trước đây. Dù qua thời "hoàng kim", song anh Hai chia sẻ vẫn sống được bằng nghề. Trước thực trạng trầm lắng của ngành chăn nuôi con đặc sản, chuyên gia Nguyễn Lân Hùng, Tổng Thư ký Hội Các ngành sinh học Việt Nam cho rằng, đó là điều tất yếu cần phải có vào lúc này. Theo ông Hùng, bản thân các loài vật nuôi đặc sản không có lỗi và việc phát triển chăn nuôi các loài vật đó cũng là hướng đi mới cần khuyến khích. Bởi nếu không có những người tiên phong thì bây giờ người tiêu dùng làm gì được ăn thịt cá sấu, nhím, lợn rừng, chim trĩ… chỉ cao hơn giá thịt lợn, thịt gà một chút như hiện nay. Theo chuyên gia Nguyễn Lân Hùng, lỗi ở đây là do chính người chăn nuôi tự tạo nên tin đồn, dư luận rồi đổ xô tranh mua khiến giá giống bị đội lên gấp cả chục lần rồi sau khi cơn sốt qua đi, vật nuôi đặc sản trở về giá trị thực thì chán nản bán tháo khiến thị trường càng thê thảm hơn. Ông Hùng cho rằng, thời chăn nuôi chộp giật, thiếu tính bền vững, định hướng rồi cũng phải qua đi và nhường chỗ những người theo nghệ thật sự. Bởi sau bao nhiêu biến cố, giờ vẫn còn nhiều người ăn nên làm ra nhờ nuôi nhím, ba ba, cá sấu, hươu sao… song cũng không ít người phá sản, bỏ nghề vì nuôi những loài vật này