Nhằm giúp cho bà con nhân dân trên địa bàn xã hiểu biết các kiến thức cơ bản về phòng chống bệnh lở mồm long móng gia súc, ngày 24/11/2014, tại hội trường UBND xã Phước thuận, Chi cục thú y tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Trạm Thú y huyện Xuyên Mộc phối hợp với UBND xã mở lớp tập huấn phòng chống bệnh lở mồm long móng gia súc. Tham dự lớp tập huấn có ông Lê Xuân Tùng – Chuyên viên kỹ thuật của Chi cục thú y tỉnh; ông Lê Quang Vũ- Cán bộ trạm thú y huyện cùng hơn 50 hộ dân trên địa bàn xã.
Tại lớp tập huấn, các hộ dân trên địa bàn xã đã được nghe chuyên viên kỹ thuật – Chi cục thú y tỉnh hướng dẫn các kiến thức cơ bản về phòng chống bệnh lở mồm long móng gia súc như: tình hình dịch bệnh LMLM, đặc điểm bệnh LMLM; sự nguy hiểm của bệnh LMLM, nguyên nhân xảy ra dịch LMLM, đường truyền lây bệnh, triệu chứng bệnh LMLM, các biện pháp phòng và chống bệnh LMLM.
Thực hiện tiêm phòng vắcxin, nhất là vùng khống chế, vùng đệm, vùng có dịch xảy ra trong vòng 2 năm gần đây. Thực hiện tiêm phòng hai lần trong một năm, lần thứ nhất cách lần thứ hai 6 tháng, lần thứ nhất nên tiêm vào tháng 3 - 4 trong năm, lần thứ hai nên tiêm vào tháng 9 - 10 trong năm.
Vận động mọi người chăn nuôi gia súc cam kết thực hiện “5 không”: không dấu dịch; không mua gia súc, sản phẩm gia súc mắc bệnh; không bán chạy gia súc mắc bệnh; không thả rông gia súc, không vận chuyển gia súc bị bệnh ra khỏi vùng dịch; không vứt xác gia súc bừa bãi ra môi trường.
Cách ly triệt để gia súc ốm, không cho chăn thả tập trung; thường xuyên thực hiện vệ sinh chuồng trại, bãi chăn thả, dụng cụ chăn nuôi, phương tiện vận chuyển, diệt loài gậm nhấm,... thực hiện tiêu độc, khử trùng khu vực có gia súc bị ốm, chết. Có thể dùng một trong các hoá chất sau để tiêu độc, khử trùng: Formol 2%, NaOH 2%, Crezin 5%, nước vôi 20%, vôi bột và một số hoá chất khác được sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất, cán bộ thú y.
Con giống đưa vào chăn nuôi phải khoẻ mạnh, có nguồn gốc rõ ràng, đã được tiêm phòng LMLM; trước khi nhập đàn phải được nuôi cách ly 21 ngày. Thức ăn, nước uống dùng trong chăn nuôi phải đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh thú y. Người vào thăm quan, nhân viên thú y,... trước khi ra, vào khu vực chăn nuôi phải phải được vệ sinh, khử trùng và trang bị bảo hộ. thường xuyên kiểm dịch động vật nghiêm ngặt để khỏi bị lây lan theo địa lý.
Qua 01 buổi tập huấn, các hộ dân đã cơ bản nắm bắt được những kiến thức về cách phòng chống bệnh lở mồm long móng gia súc./.