Đề tài đã tiến hành điều tra trên 66 tuyến tại 27 xã, phường thuộc 5/8 huyện, thị xã, thành phố của Khánh Hòa trước đây có xáo tam phân được phân bố trong tự nhiên. Kết quả có 21/66 tuyến có tái sinh xáo tam phân, tái sinh chồi từ rễ chiếm đa số, chỉ 5 tuyến là còn tái sinh tự nhiên. Nhóm nghiên cứu đã ghi nhận khả năng tái sinh mạnh rễ, hạt, hom; trồng môi trường nhân tạo rất khả quan. Tuy nhiên, cho đến nay, diện tích suy giảm đến cạn kiệt, số lượng cây trưởng thành chỉ còn vài cá thể do bị người dân đào khai thác triệt để. Số lượng cây xáo tam phân tái sinh từ hạt, từ rễ cũng bị khai thác tận diệt, chỉ còn rải rác khoảng 48 cây tái sinh (trong đó có 12 cây tái sinh từ hạt, 36 cây tái sinh chồi từ rễ).
Qua thực hiện, đã điều tra, khoanh vẽ và xây dựng được bản đồ vùng phân bố rộng khoảng 4.257 ha, trong đó, các xã có vùng phân bố lớn nhất là: Ninh Vân - Ninh Hòa, Phước Đồng - Nha Trang. Trước nguy cơ không còn khả năng phục hồi quần thể cũng như mất khả năng gieo giống tái sinh tự nhiên là hiện hữu, đề tài đã đưa ra một số đề xuất: Sở KH&CN cần xây dựng chiến lược hành động bảo tồn, giám sát loài xáo tam phân; xây dựng các vườn ươm để tuyển chọn các cá thể mẹ khỏe từ các vùng phân bố cách xa nhau, tạo nguồn giống cho các khu bảo tồn; thực hiện mô hình bảo tồn tại một số địa điểm với hình thức bảo tồn nguyên vị (hay bảo tồn tại chỗ) và bảo tồn chuyển vị; xây dựng quy chế quản lý, phối hợp, liên doanh, liên kết giữa cơ quan quản lý nhà nước với nhà đầu tư, hộ gia đình nhằm cung cấp giống và nhu cầu tiêu thụ.