Nhờ ứng dụng công nghệ mềm Stabiplage, không dùng các kết cấu bê tông cốt thép cứng, mà sử dụng các túi Stabiplage có vỏ bằng vật liệu geo-composite bên trong bơm đầy cát với bơm áp lực rất cao tạo hình dạng "con lươn" có chiều dài 50m được đặt vuông góc hoặc song song với vạch bờ tùy theo từng khu vực có thể giải quyết vấn đề xói lở và xâm thực bờ biển, đáp ứng yêu cầu bảo vệ vùng ven bờ của địa phương.
Stabiplage thu giữ, tích tụ và duy trì tại chỗ các trầm tích, dựa vào môi trường tự nhiên thông qua tác động của thủy động lực ven biển và dịch chuyển trầm tích ngang và dọc bờ, tạo ra các trao đổi và cho phép ổn định bờ biển các khu vực cần được xử lý.
Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ BRVT, thực hiện thí điểm ứng dụng công nghệ Stabiplage tại Lộc An- huyện Đất Đỏ - BR-VT.
+ Khu vực Lộc An 1: là khu vực dự án thí điểm ứng dụng công nghệ Stabiplage với 8 công trình vuông góc trong năm 2005, bảo vệ bãi biển dài trên 600m.
+ Khu vực Lộc An 2: nằm phía Nam khu vực Lộc An 1, tính từ công trình Stabiplage số 8, trên một chiều dài 1000m. Tại khu vực này sẽ bít cửa mới mở thông giữa đầm Lộc An và biển. Trên chiều dài khoảng 800m về phía nam dự án Lộc An 1 sẽ bố trí 10 Stabiplages vuông góc với đường bờ, dài 50m mỗi cái, Stabiplage đầu tiên sẽ bố trí cách Stabiplage số 8 của dự án Lộc An 1, 75m về phía nam, 10 Stabiplages này bố trí cách nhau 80m, có tiết diện kép, không neo, tạo ra một bãi biển dài 800m – 900m về phía nam dự án Lộc An 1.
+ Khu vực Lộc An 3: nằm phía Bắc khu vực Lộc An 1, tính từ công trình Stabiplages số 1, trên một chiều dài 100m, trên bờ nam cửa Lộc An. Tại khu vực này sẽ mở một cửa (hoặc cống thông) rộng khoảng 30m, thông giữa đầm Lộc An và biển, vị trí cửa cách Stabiplage số 1 của dự án Lộc An 1 khoảng 200m về phía bắc. Bố trí một hệ thống gồm 1 đoạn Stabiplage dọc, tiết diện kép, có thảm chống xói và hệ thống neo, nối từ đầu Stabiplage số 1 của dự án Lộc An 1 kéo dài về phía bắc trên chiều dài 100m đến vị trí nối với bờ đê kè phía nam của cửa mở.
Kết hợp với công trình Stabiplage là công trình phụ trợ Ganivells (hàng rào bẫy cát) đã tái tạo, phục hồi dải đồi cát đạt độ cao trung bình trên 2m, có nơi trên 3m với tổng khối lượng cát tích tụ hình thành dải đồi khoảng 25.000m3 (Hàng rào Ganivelles bằng tre có nhiệm vụ chắn và tích tụ cát lại không cho cát bay phủ lấp vào các vùng bên trong).
Quá trình hoạt động của các Stabiplage với kích thước thích hợp cho phép sóng vượt qua, trầm tích, cát vượt qua nhưng trích lại một lượng cát trong dịch chuyển ven bờ.
Lượng cát thu giữ được tích tụ dần dọc theo công trình sau đó ổn định và nâng dần độ cao bãi biển để bồi đắp, tái tạo lại profile bãi biển, hình thành địa mạo mới. Hoạt động Stabiplage không gây biến động bất thường, không làm xói lở ở các khu vực khác thuộc hạ lưu và chân công trình. Nhờ có các đụn cát được tái tạo lại, địa phương có thể trồng được cây xanh phía sau công trình.
Số cây xanh này đã và đang phát triển tốt, khôi phục lại được thảm thực vật và rặng phi lao đã bị mất. Có khoảng 3 đến 4ha bãi cát đã được bảo vệ ổn định với lượng cát tích tụ tự nhiên từ 145.000 đến 150.000m3.
Với thời gian thi công nhanh, trong khoảng 1 tháng, giá thành công nghệ Stabiplage chỉ bằng một nửa so với làm công trình cứng bằng bê tông mà công trình cứng không đảm bảo về lâu dài, làm mất bãi tắm, không phát triển du lịch.
Đến năm 2012, sau 7 năm đưa vào hoạt động (16 mỏ hàn mềm Stabiplage cả cũ và mới), đã trải qua nhiều biến động bất thường của thời tiết, những cơn bão (điển hình là cơn bão Durian ngày 4 và 5/12/2006 gây thiệt hại nặng nề cho nhiều tỉnh thuộc miền Đông và Tây Nam bộ, trong đó BR-VT là tỉnh bị thiệt hại nặng nhất), nhiều đợt triều cường rất lớn và áp thấp nhiệt đới nhưng công trình vẫn đứng vững và phát huy tác dụng rất tốt.
Theo Trung tâm ứng dụng