Cơ sở dữ liệu khoa học quan trọng
Theo Sở KH-CN, những đề tài nghiên cứu thuộc lĩnh vực điều tra cơ bản các điều kiện tự nhiên và tài nguyên môi trường là căn cứ quan trọng để xây dựng, tư vấn, phản biện và giám định các dự án đầu tư phát triển trong nhiều lĩnh vực như: Khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng; quy hoạch sử dụng đất và hệ thống giao thông; quy hoạch khu vực Gò Găng và hệ thống cảng giao thông thủy nội tỉnh và liên tỉnh, khu neo đậu, trú bão; khai thác hợp lý nước khoáng nóng Bình Châu; đánh giá trữ lượng và mức khai thác hợp lý nước ngầm chống xâm nhập biển mặn, bảo vệ nguồn nước ngọt; làm sạch môi trường bãi biển du lịch do tràn dầu bằng phương pháp vi sinh; ứng dụng phương pháp địa bức xạ lập sơ đồ đánh giá trữ lượng và tiềm năng nước ngầm ở Châu Đức và Côn Đảo…
Đề tài Biên hội bản đồ địa chất khoáng sản tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã giúp xác định được những dạng khoáng sản có quy mô lớn, có giá trị công nghiệp, đóng vai trò quan trọng trong xây dựng và phát triển kinh tế như đá xây dựng và đá tráng lát; sét betonit và puzơlan; cát xây dựng và cát thủy tinh; nước nóng và nước khoáng. Đề tài Nghiên cứu một số đặc trưng động lực nước ngầm ở các huyện Tân Thành, Châu Đức, Long Đất (nay là huyện Long Điền và Đất Đỏ) và thị xã Bà Rịa (nay là TP.Bà Rịa) tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu bằng kỹ thuật hạt nhân cho phép xác định đồng thời vận tốc thấm đứng và hệ số phân tán của nước mưa trong đất trên các loại địa hình và cấu tạo địa chất khác nhau. Đề tài này còn cung cấp dữ liệu bổ sung cho quy hoạch, khảo sát, khai thác nước ngầm trong tương lai, tránh sự khai thác cạn kiệt và làm ô nhiễm nguồn nước trên địa bàn tỉnh. Còn đề tài Nghiên cứu đánh giá tổng thể hiện trạng xói lở - bồi lấp vùng ven biển từ Vũng Tàu đến Bình Châu và đề xuất các giải pháp khắc phục đánh giá tổng thể hiện trạng xói lở, bồi lấp vùng ven biển của tỉnh từ mũi Nghinh Phong (TP.Vũng Tàu) đến xã Bình Châu (huyện Xuyên Mộc), cung cấp số liệu, xác định nguyên nhân xói lở, bồi lắng và chỉ ra 6 điểm bị xói lở nghiêm trọng cần khắc phục, làm cơ sở khoa học cho việc đề xuất các giải pháp bảo vệ bờ biển của tỉnh.
Thành công từ công nghệ Stabiplage chống xói lở tại bờ biển
Trong số những đề tài thuộc lĩnh vực tài nguyên môi trường, thành công nhất phải kể đến việc ứng dụng công nghệ Stabiplage trong việc chống xói lở tại bờ biển Lộc An. Dự án Thí điểm chống xói lở bờ biển bằng công nghệ mềm Stabiplage tại Lộc An, huyện Đất Đỏ được Sở KH-CN phối hợp với Công ty Espace Pur (Cộng hòa Pháp) triển khai thực hiện từ năm 2005. Qua gần 9 năm hoạt động, hiện tượng xói lở bờ biển được ngăn chặn, bãi biển được tái tạo, tôn cao và tiến ra phía biển một cách tự nhiên trung bình khoảng 25 - 30m, có nơi từ 60 - 70m. Ngoài ra, dải đồi cát ven biển đang dần được phục hồi và ngày càng được bồi tụ mạnh, chiều cao đồi cát có nơi đạt được hơn 6m với chiều rộng chân đồi cát đến 10m; tạo điều kiện để rừng phi lao và các loại thực vật tầm thấp phát triển tốt…
Theo những người dân ở Lộc An, trước khi dự án được triển khai, tình trạng xói lở bờ biển tại vùng biển Lộc An diễn ra hết sức nghiêm trọng. Nhưng từ khi dự án thí điểm xử lý chống xói lở bờ biển bằng công nghệ Stabiplage đưa vào hoạt động, Lộc An đã cải thiện rất nhiều về hiện tượng xói lở bờ biển. Vào mùa mưa bão và triều cường, người dân yên tâm không còn lo lắng tình trạng sụt lún bờ như trước nữa. Hiện nay, suốt chiều dài bờ biển khoảng 1.500m tại khu vực cửa biển Lộc An đã hình thành một bãi biển phẳng liền với dải đồi cát ven biển liên hoàn, có khả năng phục vụ phát triển cho du lịch và các mục đích kinh tế - xã hội.
Trong chuyến khảo sát mới đây tại công trình Stabiplage Lộc An, ông Dominique CAP- Phó chủ tịch phụ trách quan hệ quốc tế đoàn công tác đô thị đại dương Brest (Pháp) đã nhận xét: “Ở Pháp cũng có nhiều đoạn bờ biển bị xói lở rất nghiêm trọng và chúng tôi cũng ứng dụng công nghệ cứng, hay đê kè nhưng sau một thời gian cũng bị sóng biển phá hủy. Bây giờ, chúng tôi chủ yếu là sử dụng công nghệ mềm Stabiplage vì nó linh hoạt và rất thân thiện với môi trường. Tại Lộc An, công nghệ này đã phát huy hiệu quả rất tốt. Đây là cơ sở để BR-VT tiếp tục nghiên cứu, áp dụng công nghệ này cho những vùng biển khác có đặc điểm tương tự như ở Lộc An…”.
Nguồn tin: Theo www.monre.gov.vn