Đồng chí Nguyễn Hạc Thúy (Phó Chủ tịch Thường trực-Tổng Thư ký TW Hiệp Hội phân bón Việt Nam) đã khai mạc hội thảo với bài phát biểu về thực trạng thị trường phân bón tại Việt Nam. Theo đồng chí, phân bón là loại vật tư không thể thiếu trong sản xuất trồng trọt, góp phần tăng năng suất cây trồng, giải quyết an ninh lương thực và góp phần tăng thu nhập cho nông dân. Theo Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI) và Tổ chức lương nông quốc tế (FAO) tổng kết nếu bón cân đối hợp lý thì phân bón làm tăng năng suất cây trồng 35-40% (cứ 4 người sống trên hành tinh này thì có 1 người sống nhờ lợi ích của phân bón).
Tuy nhiên trong 10 năm qua, mặc dù Nhà nước đã có nhiều văn bản quản lý, điều chỉnh việc sản xuât kinh doanh phân bón trên cả nước nhưng tình trạng lưu thông mặt hàng này vẫn chưa được cải thiện, tình hình phân bón kém chất lượng (PBKCL), phân bón giả (PBG), phân bón nhái nhãn mác (PBNNM) vẫn tiềm tàng, thương nhân sản xuất trá hình tinh vi hơn đã gây nhiều thiệt hại cho nông dân, cho các nhà sản xuất phân bón chân chính và cho sản xuất nông nghiệp nói chung.
Các báo cáo tham luận tập trung các vấn đề như chất lượng và quản lý chất lượng phân bón sao cho đồng bộ giữa các Bộ ngành; quy định sao cho hợp lý với điều kiện sản xuất của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ; quản lý chặt chẽ không để sót lọt các cơ sở không đăng ký và nhất là quản lý cán bộ thừa hành pháp luật nghiêm minh trong việc xử lý vi phạm về chất lượng. Việc bãi bỏ chính sách hoàn thuế, áp dụng thuế VAT đối với phân bón làm cho giá thành càng tăng, nông dân càng chịu gánh nặng về chi phí đầu vào trong sản xuất.
TS Nguyễn Đăng Nghĩa, chuyên gia nghiên cứu đất phân bón nêu hiện trạng quản lý phân bón còn nhiều điều đáng thảo luận. Nhiều năm qua việc quản lý vẫn chưa được cải thiện. Việc quy định các chỉ tiêu trong các loại phân bón còn thiếu cơ sở, hiện tượng tiêu cực trong quản lý, trong xử lý vi phạm còn tồn tại.
Ông Nguyễn Hạc Thúy bức xúc đưa ra 11 vấn đề còn bất cập trong quản lý phân bón hiện nay trong báo cáo của mình. Đó là:
Khi ban hành Nghị định 202/2013/NĐ-CP về quản lý phân bón thì Bộ Công thương không đủ lực lượng cán bộ có chuyên môn về phân bón để thực thi nhiệm vụ, gây ra nhiều ách tắc.
Số lượng phòng thử nghiệm được chỉ định còn quá ít và phân bổ địa bàn không hợp lý làm khó khăn cho công tác khảo kiểm nghiệm, chứng nhận để đánh giá hợp quy.
Nhãn mác bao bì còn nhiều sai phạm, lạm dụng từ ngữ gây hiểu lầm cho nông dân, thậm chí ghi nhãn không đúng sự thật.
Tiêu chuẩn cơ sở của doanh nghiệp chưa được hướng dẫn thực hiện nên hiện nay Nhà nước và doanh nghiệp đang lúng túng trong vấn đề này.
Quy trình chứng nhận hợp quy tốn khá nhiều thời gian. Từ khi có Nghị định 202/2013/NĐ-CP các sản phẩm đã được chứng nhận hợp quy phải làm lại từ đầu.
Việc đưa sản phẩm phân bón thành sản phẩm kinh doanh phải có điều kiện là hợp lý. Tuy nhiên yêu cầu về trình độ chuyên môn của người quản lý điều hành phải là đại học thì cần phải có lộ trình thực hiện.
Về quy định điều kiện cơ sở sản xuất phân bón “không có phòng thử nghiệm thì có thể thuê phòng thử nghiệm” cần phải xem xét lại. Nên chăng buộc phải có nếu không thì không cấp phép vì đây là chỗ hở để các cơ sở làm hàng gian hàng giả hoạt động.
Đối với mô hình hoạt động theo hình thức công ty mẹ và công ty con thì nên áp dụng chỉ một giấy chứng nhận hợp quy của công ty mẹ khi các công ty co ở nhiều tỉnh thành khác nhau.
Mỗi doanh nghiệp nên để cho một Bộ quản lý khi sản xuất kinh doanh nhiều loại phân bón khác nhau đề giảm thủ tục chứng nhận và những thủ tục khác.
Phải có cơ chế chế tài, xử lý các cán bộ thi hành công vụ mà có thái độ nhũng nhiễu, tiêu cực trong thanh tra kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực quảm lý phân bón.
Đề nghị hai Bộ Công thương và Bộ NN và PTNT nghiên cứu thống nhất ban hành quy chuẩn quốc gia để thực hiện thủ tục công bố hợp quy.
Về định hướng tái cơ cấu hệ thống sản xuất kinh doanh phân bón, theo ông Nguyễn Hạc Thúy, Việt Nam là một đất nước đang xây dựng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền nông nghiệp tiên tiến, bền vững cần phải lập lại trật tự thị trường phân bón như sau:
Quản lý chặt chẽ nguồn nguyên liệu sản xuất phân bón như antracid, apatis, serpentin và các loại khí … để hạn chế xuất khẩu nguyên liệu thô, định hướng đến năm 2025 tầm nhìn 2035 để không phải nhập khẩu khi cần thiết.
Quản lý chặt chẽ các cơ sở và nguồn sản xuất phân bón trong nước để định hướng việc nhập khẩu, sản xuất theo nhu cầu của sản xuất.
Xây dựng tiêu chuẩn của cơ sở sản xuất. Kiên quyết thu hồi giấy phép những cơ sở nhỏ không đủ năng lực sản xuất phân bón đạt tiêu chuẩn theo quy định, để hạn chế tình trạng sản xuất PBG, PBKCL.
Có chính sách mở rộng phát triển sản xuất phân bón hữu cơ, phân hỗn hợp chất lượng cao, phù hợp với bảo vệ môi trường, phù hợp xu thế nông nghiệp hữu cơ bền vững.
Chính phủ chỉ đạo các Bộ ngành thực hiện tái cơ cấu ngành mình phụ trách đáp ứng tiêu chí tham gia hiệp định TPP.
Cuối buổi hội thảo, đại diện Bộ Công thương và Bộ NN và PTNT ghi nhận 11 vấn đề mà hiệp hội phân bón cũng như các đại biểu đã nêu và hứa sẽ báo cáo Bộ trưởng hai Bộ để tiếp thu rà soát điều chỉnh các văn bản quản lý phù hợp, tạo điều kiện để các doanh nghiệp nâng cao chất lượng hạ giá thành sản xuất phân bón giúp bà con nông dân tăng thêm thu nhập, hạn chế thấp nhất tình trạng hàng gian hàng giả trong lĩnh vực phân bón. Đồng thời kêu gọi các chủ doanh nghiệp cố gắng thực hiện những quy định hợp lý để cùng Nhà nước tự nâng cao năng lực tham gia thị trường TPP mới được ký kết một cách có hiệu quả.