Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Quang Thông, Tổng biên tập Báo Thanh Niên, nhận định: “Chất cấm trong thức ăn chăn nuôi là vấn đề được toàn xã hội quan tâm và lên án mạnh mẽ bởi nó liên quan đến không chỉ sức khỏe của thế hệ chúng ta mà còn của con cháu chúng ta sau này. Đáng buồn hơn khi bên cạnh những doanh nghiệp (DN) làm ăn chân chính, nỗ lực vì một ngành chăn nuôi nước nhà, lại có những trường hợp vì lợi ích trước mắt đã nhẫn tâm đầu độc người tiêu dùng bằng những chất cấm nguy hiểm”. Không chỉ vấn đề sức khỏe người tiêu dùng, ông Nguyễn Quang Thông cũng nhấn mạnh việc không cải tổ mạnh mẽ và có biện pháp quyết liệt với vấn nạn này, ngành chăn nuôi VN sẽ khó cạnh tranh ngay tại thị trường trong nước khi VN chính thức gia nhập Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Theo trình bày của tiến sĩ Vương Nam Trung, Trưởng bộ môn dinh dưỡng và thức ăn chăn nuôi (Phân viện Chăn nuôi Nam bộ), lạm dụng chất cấm trong chăn nuôi đã xuất hiện nhiều từ cả chục năm nay trên thị trường, song đến năm nay thì thật sự bùng phát và gây tâm lý hoang mang cho người tiêu dùng tại TP.HCM và vùng Đông Nam bộ. “Chỉ trong tháng 10.2015 có 14/48 trang trại chăn nuôi lợi tại Đồng Nai qua kiểm tra phát hiện sử dụng chất cấm pha trộn trong thức ăn, rồi cơ sở giết mổ lớn tại Gò Vấp sử dụng quá lượng chất tạo nạc. Tháng 9 có 3/9 mẫu dương tính với chất cấm do Chi cục Thú y TP.HCM thông tin. Chi cục Thú y TP.HCM qua lấy mẫu kiểm tra trước đó phát hiện 4/15 mẫu thịt tại siêu thị, chợ nhiễm chất cấm; 7 lô hàng thịt từ Đồng Nai, Tiền Giang, Long An cũng nhiễm chất cấm”, tiến sĩ Trung dẫn chứng.
Trong vai trò đơn vị trực tiếp kiểm tra và xử lý vi phạm, ông Phan Xuân Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM, cho rằng việc để cho các chất cấm tuồn vào “tung hoành” tại thị trường VN phần lớn trách nhiệm thuộc về cơ quan chuyên trách “gác cửa” nhập khẩu các chất cấm này. Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (đại diện Bộ NN-PTNT), trong phát biểu kết thúc hội thảo, hoàn toàn đồng ý với những đề xuất và đánh giá cao việc Báo Thanh Niên tổ chức kịp thời hội thảo, đúng thời sự và hỗ trợ lớn nhất là giúp tuyên truyền, báo chí cùng người dân đồng hành trong công cuộc nói không với chất cấm. Ông Dương khẳng định: “Đây là nhiệm vụ của nhiều bộ ngành và phải vào cuộc một cách quyết liệt, đồng bộ từ trung ương đến địa phương. Nó nguy hiểm như tội mua bán ma túy nên cần cả Bộ Công an vào cuộc, bởi nguy hiểm lớn nhất là ảnh hướng đến sức khỏe cộng đồng, thứ hai là cạnh tranh với các nước trên thế giới. Tình trạng này đáng báo động quá rồi, lại hết sức phức tạp bởi diễn ra trên phạm vi cả nước. Điều đáng nói là những người chăn nuôi chân chính chịu số phận chung với những người chăn nuôi bất lương. Bộ trưởng Bộ NN-PTNT cũng đã có một số chỉ đạo về việc này và sắp tới, kết hợp với các tỉnh thành, chúng ta phải làm quyết liệt hơn nữa”.