* Phóng viên: Theo ông, trong nền kinh tế thị trường hiện nay, làm thế nào để giữ gìn được hình ảnh và đạo đức của nhà giáo?
- Ông Nguyễn Thanh Giang: Lâu nay, người giáo viên (GV) luôn được xã hội kính trọng vì có những chuẩn mực về đạo đức, lối sống và kiến thức. Và hiện nay cũng thế, người GV cũng phải có những phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn để truyền tải kiến thức đến các em HS. Trong thời đại hiện nay, cùng với sự bùng nỗ của công nghệ thông tin, khoa học kỹ thuật đòi hỏi GV cần phải nỗ lực trau dồi chuyên môn nghiệp vụ để đáp ứng với nhu cầu phát triển của xã hội và học tập của HS. Quan trọng hơn cả, người GV phải giữ được hình ảnh gần gũi, yêu thương học trò, có lối sống chân thành, giản dị, làm việc bằng lương tâm và trách nhiệm mà không màng tới danh lợi. Tuy nhiên, do tác động của kinh tế thị trường, một số GV đã có những vi phạm về đạo đức, nghề nghiệp như vẫn tổ chức dạy thêm, học thêm để tăng thêm thu nhập và làm trái với những quy định của ngành đề ra. Chúng tôi thường xuyên nhắc nhở, kiểm điểm nghiêm túc và có những quy định để quản lý nghiêm ngặt tình trạng này. Ngoài ra, để khắc phục tình trạng một số GV lợi dụng nghề nghiệp mở các lớp học thêm, UBND tỉnh và ngành cũng đã có văn bản yêu cầu các trường học chấn chỉnh tình trạng dạy thêm của một bộ phận GV. Mục đích của việc làm này là giúp GV thoát khỏi cám dỗ của đồng tiền, tránh được những vi phạm về đạo đức nghề nghiệp mà Bộ GD-ĐT đã quy định.Dù thế nào thì thầy cô giáo vẫn luôn phải giữ hình ảnh của mình, trau dồi đạo đức, lối sống, chuyên môn để xứng đáng với sự tôn vinh của toàn xã hội.
* Để thực hiện quy định của Bộ GD-ĐT về đạo đức nhà giáo, ngành GD-ĐT tỉnh đã có những biện pháp gì để đội ngũ nhà giáo nâng cao ý thức và trách nhiệm trong công tác dạy học?
- Mục đích quy định về đạo đức nhà giáo mà Bộ GD-ĐT ban hành từ năm 2008 là cơ sở để các nhà giáo nỗ lực rèn luyện phù hợp với nghề dạy học.Và đây còn là cơ sở để đánh giá, xếp loại, giám sát nhà giáo để xây dựng đội ngũ nhà giáo có chính trị vững vàng, có phẩm chất và lương tâm nghề nghiệp trong sáng, tích cực học tập, không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, có lối sống, cách ứng xử chuẩn mực, để làm tấm gương cho học sinh noi theo. Thực hiện quy định này, tôi cho rằng, bản thân các thầy cô giáo phải tự ý thức được trách nhiệm, lương tâm đạo đức nghề nghiệp của mình, không ngừng tự học tập, rèn luyện để giữ gìn hình ảnh của một nhà giáo chân chính và có trình độ chuyên môn. Người dạy học phải luôn đổi mới phương pháp dạy học để tạo cho HS hứng thú khi học bài và để các em tự chủ trong học hành. Bên cạnh đó, đội ngũ nhà giáo phải luôn duy trì cho mình lương tâm của người thầy giáo, dạy học trò bằng tâm huyết, trí tuệ của mình.
* Hiện tại, ngành đang thực hiện cuộc vận động "Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương sáng, tự học, sáng tạo". Ông có thể cho biết, đội ngũ nhà giáo cần làm những gì để thực hiện cuộc vận động này?
- Cuộc vận động này xuất phát từ mục tiêu phấn đấu mỗi GV phải đạt chuẩn về đạo đức và kiến thức. Thông qua cuộc vận động "Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương sáng, tự học, sáng tạo", bắt buộc người GV phải thể hiện cho HS thấy họ xứng đáng là tấm gương để các em học tập, noi theo. Vì vậy, bản thân GV phải không ngừng tự học bằng các cách như thông qua các lớp tập huấn nâng cao trình độ hay tự học trên các phương tiện thông tin đại chúng để có thêm kiến thức dạy học trò. Trong quá trình giảng dạy, GV phải tự tìm tòi, sáng tạo ra các mô hình, phương pháp dạy học hiệu quả để HS học bài tốt hơn. Theo tôi, quan trọng nhất, đội ngũ GV gắn bó với nghề phải có lương tâm trong sáng, dạy dỗ HS bằng tình yêu nghề, mến trẻ.
* Cảm ơn ông!
MINH TUỆ(http://www.baobariavungtau.com.vn/)