Ngay từ những ngày đầu thành lập, Hội Bảo trợ người tàn tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo của tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch tạo quỹ hỗ trợ hội viên bằng phương thức vận động đóng góp của các cá nhân, doanh nghiệp trong tỉnh và ngoài tỉnh. Chỉ tính trong năm 2015, Hội đã vận động được trên 12,5 tỷ đồng, để hỗ trợ trên 51 ngàn lượt người tàn tật, thông qua các chương trình: phẫu thuật tim, phẫu thuật phục hồi chức năng, cấp xe lăn, xe lắc, xe đạp, xây dựng nhà tình thương, thăm hỏi, tặng quà, khám, chữa bệnh và hỗ trợ các nhu yếu phẩm.
Chính từ những hỗ trợ thiết thực, nhiều người tàn tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo trên địa bàn tỉnh đã vươn lên hoà nhập cộng đồng. Đặc biệt, một số đối tượng với sự giúp đỡ của hội cùng ý thức tự nỗ lực của bản thân đã dần thoát nghèo, và tăng thu nhập.
Chị La Thị Hồng, ấp An phước, xã An Ngãi, huyện Long Điền, bị khuyết tật ở chân từ nhỏ nên cuộc sống hết sức khó khăn. Sau khi lập gia đình và có con được 2 tuổi, chồng chị bỏ đi để lại cho chị nỗi đau cùng sự túng quẫn về kinh tế. Đôi chân bị dị tật, sức khỏe yếu, nhưng ngoài nghề làm bánh tráng tại nhà, chị Hồng vẫn phải cố bươn chải làm thuê đủ việc để kiếm thêm tiền nuôi con ăn học. Nhờ sự giúp đỡ của Hội Bảo trợ cùng chính quyền địa phương, chị đã có được căn nhà nhỏ để che nắng che mưa và ít vốn đầu tư vào chăn nuôi. Nhờ đó, không chỉ thoát nghèo mà chị còn có thêm điều kiện để nuôi con ăn học đến nơi đến chốn.
Hội Bảo trợ người tàn tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo của tỉnh đặc biệt chú trọng vận động các đơn vị, nhà hảo tâm đóng góp thực hiện chương trình “Sinh kế cho người khuyết tật”. Và những sinh kế mang lại hiệu quả thiết thực hơn cả là tặng bò, hỗ trợ vốn cho hội viên tự tạo việc làm. Từ năm 2014 đến nay, Hội đã trao 8 con bò giống, trị giá 130 triệu đồng cho 8 gia đình nghèo khuyết tật; hỗ trợ vốn cho gần 30 trường hợp nghèo khuyết tật làm kinh tế với số tiền trên 150 triệu đồng. Đây là hướng đi mới trong công tác trợ giúp người khuyết tật thoát nghèo bền vững.
Dù đã rất cố gắng trong công tác chăm lo cho người tàn tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo, tuy nhiên tổ chức Hội vẫn chưa thể chăm lo trọn vẹn cho mọi đối tượng; vẫn còn không ít người khuyết tật trên địa bàn tỉnh vẫn chưa thể nhận được sự giúp đỡ kịp thời và phù hợp.
Như một cái vòng luẩn quẩn, nguời khuyết tật, trẻ mồ côi bao giờ cũng là đối tượng nghèo khó nhất, và rất khó thoát nghèo nếu không có sự trợ giúp cùa cộng đồng. Vì vậy, họ đang rất cần sự quan tâm, chia sẻ hơn nữa của các cấp, các ngành và toàn xã hội. Trong đó, mong mỏi lớn nhất của người khuyết tật là được học nghề và có việc làm phù hợp để có thể tự nuôi sống bản thân và tự tin hòa nhập với cộng đồng.
Thanh Tùng