Tháng 12-2012, giống nhãn xuồng cơm vàng BR-VT được chính thức xác lập và công nhận là một trong 50 loại trái cây đặc sản nổi tiếng Việt Nam. Không chỉ có nhãn xuồng, từ năm 2009 đến nay, tại hội thi “Trái cây ngon - an toàn” miền Đông Nam bộ do TP. Hồ Chí Minh tổ chức, nhiều loại trái cây của BR-VT như mãng cầu ta, măng cụt, mít nghệ, sầu riêng Chín Hóa… đều giành nhiều giải cao. Mới đây, tại xã Sông Xoài (huyện Tân Thành), Sở KH-CN phối hợp với Trung tâm nghiên cứu cây ăn quả miền Đông Nam bộ tổ chức trao giấy chứng nhận VietGAP cho 12 hộ với 12,5ha bưởi da xanh của HTX Bưởi da xanh Sông Xoài. Chứng nhận VietGAP được xem như là “giấy thông hành” để bưởi da xanh Sông Xoài có cơ hội mở rộng thị trường và hướng tới việc xuất khẩu đi các nước.
BR-VT rõ ràng không thiếu các loại đặc sản trái cây với diện tích, sản lượng lớn. Tuy nhiên, với hơn 8.600ha diện tích trồng cây ăn trái nhưng vùng trồng không tập trung và đầu tư, chăm bón chưa đúng quy trình, còn tùy tiện... khiến trái cây BR-VT chủ yếu vẫn tiêu thụ tại thị trường nội địa và đang dần yếu thế trong cạnh tranh với trái cây nhập khẩu. Xét về chất lượng, trái cây của BR-VT không hề kém cạnh các địa phương khác nhưng hiện nay nông dân sản xuất cây ăn trái vẫn chịu cảnh bấp bênh do chưa tìm được đầu ra ổn định cho sản phẩm. Ngành nông nghiệp cũng đã có nhiều chương trình, đề án như hình thành các vùng chuyên canh, triển khai các mô hình theo quy trình VietGAP, tuy nhiên mới chỉ có trái nhãn xuồng cơm vàng và mãng cầu ta được đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ tại Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam. Đây cũng là 2 loại trái cây có mặt tại các siêu thị lớn như Co-opMart, Metro… So với sự phong phú, đa dạng về các loại trái cây đặc sản có mặt tại BR-VT thì đây quả là con số quá ít ỏi.
Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TTP) được cho là sẽ mở ra thị trường xuất khẩu rộng lớn cho nông sản, trong đó có mặt hàng trái cây. Hiện nhiều thị trường khó tính như Nhật Bản, Úc, Mỹ... đã mở cửa cho trái cây Việt Nam. Một việc làm cần thiết và cấp bách là tỉnh cần sớm xây dựng vùng trồng tập trung nhằm tạo ra nguồn hàng lớn đáp ứng nhu cầu thị trường, chuẩn bị các điều kiện, phương tiện và cơ chế phát triển giá trị quyền sở hữu trí tuệ đối với chỉ dẫn “BR-VT” như tem, bao bì, nhãn. Đồng thời, xây dựng cơ chế quản lý và kiểm soát chất lượng như các tiêu chuẩn về kỹ thuật sản xuất; an toàn thực phẩm; truy xuất nguồn gốc sản phẩm… Qua đó, góp phần tạo dựng thương hiệu và chỗ đứng vững chắc của các loại trái cây trên thị trường trong nước và xuất khẩu. Hy vọng, trong tương lai không xa, sẽ có nhiều loại trái cây chủ lực của tỉnh được gắn thương hiệu “made in Bà Rịa - Vũng Tàu”, tạo nên lợi thế cạnh tranh cũng như tăng giá trị, thu nhập của nông dân.
THẢO PHƯƠNG