Tình trạng nông dân phải sử dụng phân bón giả, phân bón kém chất lượng không phải mới diễn ra gần đây, mà đã kéo dài nhiều năm nay, trở thành một căn bệnh trầm kha và gây thiệt hại mỗi năm khoảng 2 tỷ USD đối với ngành nông nghiệp. Theo số liệu thống kê, trên thị trường phân bón của nước ta hiện nay có khoảng 5.300 loại phân bón trong danh mục chính thức, gần 1.000 loại khác đã được cấp giấy hợp chuẩn và hợp quy, chưa kể các loại phân bón truyền thống nằm ngoài danh mục (ước tính vào khoảng 1.000 loại nữa). Tổng cộng có hơn 7.000 chủng loại phân bón đang lưu hành trên thị trường, như: Phân bón hóa học, phân bón hữu cơ, phân bón hữu cơ khoáng, phân vi lượng, phân bón dưới rễ, phân bón lá, phân kích thích ra bông đậu quả... Chính sự tồn tại một số lượng khổng lồ các chủng loại phân bón như vậy đã tạo cơ hội để các nhà sản xuất, các đại lý và cửa hàng kinh doanh phân bón dễ dàng lừa gạt nông dân và thao túng thị trường, đồng thời gây nhiều khó khăn cho các cơ quan quản lý trong việc kiểm tra, xử lý các vi phạm. Mặc dù các cơ quan chức năng đã mở nhiều đợt cao điểm kiểm tra các cơ sở sản xuất, các đại lý và cửa hàng kinh doanh phân bón (ước tính mỗi năm xử phạt hơn 3.000 vụ vi phạm, tịch thu hơn 1.000 tấn phân bón giả các loại) nhưng hiệu quả vẫn không cao. Sau kiểm tra, truy quét thì vấn nạn phân bón giả, phân bón kém chất lượng lại trở lại trạng thái ban đầu. Người nông dân vẫn phải oằn lưng gánh chịu những tổn thất về mùa màng, môi trường bị ô nhiễm, sức khỏe của cộng đồng và uy tín của thương hiệu nông sản Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề.
Thảo luận tại Hội nghị toàn quốc phòng, chống phân bón giả (Hà Nội, ngày 12-10), Diễn đàn phòng, chống sản xuất, kinh doanh phân bón giả, phân bón kém chất lượng (Thanh Hóa, ngày 9-10), Hội nghị tuyên truyền và chia sẻ kinh nghiệm phòng chống phân bón giả, phân bón kém chất lượng tại các tỉnh, thành phía Nam (Vũng Tàu, ngày 4-12) đã có rất nhiều đề xuất và kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương phải mạnh tay với vấn nạn phân bón giả, phân bón kém chất lượng. Theo đó, trước hết cần phải loại bỏ những chủng loại phân bón trùng lặp về tính năng và tác dụng đối với từng loại cây trồng chủ lực. Để tồn tại hơn 7.000 chủng loại phân bón lưu hành trên thị trường như hiện nay là điều không thể chấp nhận được. Ở các nước có nền nông nghiệp phát triển, họ chỉ sử dụng 20-30 loại phân bón, hay như ở Thái Lan, nước có nền nông nghiệp khá phát triển, khí hậu, thổ nhưỡng tương đồng với nước ta, cũng chỉ sử dụng khoảng 100 chủng loại phân bón. Hai là, phải có các chế tài đủ mạnh (kể cả truy cứu trách nhiệm hình sự) để xử lý nghiêm minh các vụ việc vi phạm quy định về nhãn mác, xuất xứ; các cơ sở sản xuất, lưu hành trên thị trường các loại phân bón giả, phân bón kém chất lượng. Đồng thời, phạt tiền thật nặng những hành vi sản xuất, kinh doanh phân bón giả, không nên nương nhẹ bằng các biện pháp hành chính hoặc chỉ phạt cho có như đã diễn ra thời gian qua. Ba là, tăng cường truyền thông, hướng dẫn bà con nông dân biết chọn lựa sản phẩm phân bón cho từng loại cây trồng, không ham giá rẻ với các chủng loại không rõ nguồn gốc xuất xứ và nhất là tránh hiện tượng bị đầu nậu khống chế, lừa đảo bán phân bón giả với việc bao tiêu đầu ra của sản phẩm.