Tình cờ như một cơ duyên Chưa năm nào tình hình lúa gạo ở miền Bắc lại rẻ mạt như hiện nay. Giá lúa lai, lúa thuần chất lượng thấp như Khang dân 18, Q5 chìm đắm đã đành còn đặc sản Bắc thơm số 7 nổi tiếng giá cũng chỉ khoảng 7.000 đ/kg, tức chưa tới 11.000 - 12.000 đ/kg gạo. Thế mà hàng ngàn ha lúa Nhật J02 cho thóc lại không có đủ hàng để bán. Thế mà có những nông dân ở Phú Thọ một vụ bán hơn chục tấn thóc J02 thu được hàng trăm triệu đồng, điều trước đây dù có là nằm mơ họ cũng không tưởng tượng nổi. Gạo Nhật “ngoại giao” đến đâu bám chặt trong tâm thức của người nhận đến đó. Gạo Nhật bán đến đâu là “đẻ” thêm hàng loạt đơn đặt hàng đông gấp bội. Có nhiều người còn nghiện gạo Nhật tới mức thuê cả xe tải về tận vùng sản xuất, lùng sục mua gom thóc từng nhà một để mang về xát ăn dần phòng khi hết hàng. Quả thật chỉ trong một thời gian ngắn sau vụ thu hoạch là gần như không thể tìm nổi một yến gạo Nhật trừ những loại dân tự để phơi ngoài nắng quá nóng nên hạt gãy, không thể đưa vào làm hàng hóa được. Cái sự phổ biến về gạo Nhật ở một số tỉnh miền Bắc hiện nay gắn liền với tên tuổi một người phụ nữ: Bà Nguyễn Thị Tâm, Tổng Giám đốc Cty CP Giống - vật tư nông nghiệp công nghệ cao Việt Nam. Số là cách đây khoảng dăm năm, trong một dịp đi lễ cùng với phu nhân của một cựu lãnh đạo tỉnh, bước lên ô tô rồi mà bà còn quầy quả chạy ngược về nhà. Lúc ra bà cầm theo một cái bọc, miệng cười roi rói. Tò mò, bà Tâm liền hỏi: “Chị quên bọc gì thế?”. “À bọc cơm nguội ăn thừa ấy mà!”. Cố kìm nén trận cười trực trào ra, bà Tâm hỏi tiếp: “Cơm gì thế chị?”. Bà kia nghe đến đây, mặt không khỏi giấu sự tự hào: “Gạo Nhật đấy! Mua trong siêu thị ở Hà Nội đấy, đắt lắm, em ăn thử đi!”. Nể nang quá nên bà Tâm đành phải nếm thử dù rằng đã ăn sáng lưng lửng bụng rồi. Chẳng ngờ, gói cơm thừa ấy đã bị bà “đánh” bay tự lúc nào. Ấn tượng về gạo Nhật đóng đinh trong tâm khảm của bà kể từ dạo đó, đúng như các cụ ta từng tổng kết: “Miếng ngon nhớ lâu, đòn đau nhớ đời”. Thế rồi như một cơ duyên, thế nào mà J02, giống lúa có nguồn gốc Nhật Bản lại về “làm dâu” trên đất Phú Thọ, do chính Cty CP Giống - Vật tư nông nghiệp công nghệ cao Việt Nam độc quyền sản xuất và phân phối. Giống do Viện Di truyền Nông nghiệp tuyển chọn. Đó là những quãng ngày thử nghiệm sản xuất diện hẹp rồi lại diện rộng. Đó là những quãng ngày đem giống đi trình diễn khắp các vùng sinh thái trải dài từ núi cao đến đồng bằng hay miền duyên hải. Khó khăn làm sao kể xiết, nhất là ở nơi đất chật, người đông, nông dân khá bảo thủ như miền Bắc. Người ta vốn quen với dòng Indica hạt dài rồi nên để thuyết phục trồng một giống mới hạt cứ ung ủng tròn như gạo nếp lắm khi khó còn hơn cả vượt qua cả đỉnh Phan Xi Păng. Thủa ban đầu đó, bà Tâm đã phải ký cam kết mạnh bạo là nếu năng suất và nhất là hiệu quả kinh tế của giống lúa mới không cao hơn Khang dân 18 công ty sẽ xỉa tiền ra mà đền. Vậy là nông dân chấp nhận trồng. Không ngờ là giống có nguồn gốc ôn đới chịu rét giỏi đã đành lại còn chịu các điều kiện nắng nóng, thời tiết khắc nghiệt cũng không hề thua kém. Trà sớm, trà trung đều tốt. Chân vàn, chân trũng, chân một lúa một cá đều thích nghi. Năng suất khá cao (65 - 70 tạ/ha), tức thừa sức tương đương với giống lúa thuần đang phổ biến là Khang dân 18. Tuy nhiên, nói chuyện về lúa Nhật mà lại chỉ bàn về năng suất thì có vẻ hơi bị chệch hướng. Vụ đầu tiên lúa gặt về xay xát ra, người làng tò mò ăn thử rồi nhất quyết giữ lại không bán cho công ty vì… ngon quá. Ai đời cán bộ thu mua chặn ở đầu bờ này, người nông dân lại gánh lúa vòng qua đầu bờ kia để tuồn hết về nhà, không chịu bán theo cam kết. Bà Nguyễn Thị Tâm chưng hửng vì kế hoạch bán giống bỗng nhiên thất bại. Những vụ tiếp theo, khi diện tích sản xuất J02 không chỉ vài hec ta mà hàng chục, hàng trăm, thậm chí hàng ngàn hec ta nhưng chưa bao giờ lúa Nhật hết sốt. Tổ chức hội thảo ở đâu tiếng thơm đều lan tỏa rộng khắp. Tổ chức đầu bờ ở đâu đều “cháy” cả gạo lẫn cơm. Đường mới, rộng mở Theo thời gian, những giống lúa Nhật khác dần du nhập vào Việt Nam. Tôi ăn thử đã nhiều nhưng chưa giống nào có vị đậm đà lại béo ngậy như J02 cả. Công bằng mà nói, gạo Nhật sản xuất ở Việt Nam vẫn chưa thể bằng gạo Nhật sản xuất ở chính quốc, nhất là ở mùi vị.
Trong chuyến công tác Nhật Bản gần đây, tôi đã cố công tìm hiểu bí quyết nào đã làm nên danh tiếng của gạo xứ Phù Tang. Ruộng đồng của Nhật còn lâu mới sánh được về độ phì nhiêu cũng như rộng rãi như của ta. Đó chỉ là những thửa đất nho nhỏ, bậc thang, nhiều chỗ trơ sỏi đá. Giống lúa của Nhật Bản thì nhiều thứ ta đã nhập, cũng không có gì đặc biệt lắm. Nhưng ông trời đã cho nông dân Nhật một đặc ân đó là mùa đông băng giá. Suốt mấy tháng của mùa đông dài dằng dặc, tuyết phủ cao 3 - 5 mét mà nếu không liên tục cào mái nhà có thể bị sập xuống. Qua mùa đông, phần lớn sâu bọ đều bị diệt hết. Tuyết tan cũng là lúc nông dân Nhật trồng lúa và trong suốt mùa hè vô cùng mát mẻ đó, lúa sinh trưởng kéo dài tới khoảng 6 tháng thì cho thu hoạch. Một năm nông dân Nhật thường chỉ trồng một vụ lúa. Thời gian sinh trưởng kéo dài, tổng tích lũy cao nên chất lượng gạo ngon là phải. Tuy thế gạo Nhật lại đắt đỏ một cách khủng khiếp. Giá loại trung bình quy ra tiền Việt đã khoảng 100.000 đ/kg, gạo thượng hạng có khi lên tới 200.000 đ/kg. Lượng gạo Nhật hầu như chỉ phục vụ cho thị trường nội địa còn chưa đủ chứ không nói đến chuyện xuất khẩu. Giá cả hợp lý chính là lợi thế rất lớn của giống lúa Nhật trồng ở ta. Nếu lý giải từ đặc điểm khí hậu, thổ nhưỡng cho thấy giống J02 trồng ở những vùng núi cao khí hậu lạnh hay những vùng có biên độ nhiệt độ dao động ngày đêm lớn thì hạt gạo rất trong, ít có tình trạng bạc bụng, nên cơm ngon cũng một tám, một mười so với gạo Nhật chính quốc. Một con đường mới, rộng mở cho hạt gạo Việt Nam bắt đầu