Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 82 ca mắc bệnh liên cầu khuẩn heo, trong đó 10 người tử vong. Tiến sĩ Bắc khuyến cáo, bệnh liên cầu heo xảy ra rải rác quanh năm, nhưng thường vào những tháng gần cuối năm bệnh có xu hướng gia tăng. Người bị nhiễm liên cầu khuẩn heo đã được điều trị khỏi vẫn hoàn toàn có thể mắc lại lần sau, vì căn bệnh này không để lại miễn dịch lâu dài. Thời gian ủ bệnh của liên cầu heo có thể vài tiếng đến 4 - 5 ngày, tùy cơ địa mỗi người. Khi nhiễm liên cầu heo, người bệnh có biểu hiện sốt nóng, sốt lạnh, đi ngoài (nhưng không đi nhiều lần) khiến nhiều người lầm tưởng với các rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm thông thường. Người bệnh cũng có biểu hiện tri giác lơ mơ, li bì hôn mê, bệnh nhân sốc, tụt huyết áp, xuất hiện các ban hoại tử trên da do nhiễm trùng huyết, viêm màng não mủ vì liên cầu heo.
Người dân không nên chủ quan vì bệnh có thể gây tử vong nếu điều trị muộn. Tỷ lệ tử vong do nhiễm liên cầu heo là khoảng 7%, nếu bệnh nhân được cứu sống, tỷ lệ di chứng cũng rất cao, khoảng 40%. Vì thế, để phòng liên cầu heo, người dân không ăn tiết canh, nội tạng heo, và các sản phẩm từ thịt heo chưa được nấu chín (lòng, tim, gan, thận chần tái, thịt tái, nem chua, nem chạo…); không sử dụng thịt heo có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề…