Đầu tháng 12, trên cánh đồng đang thu hoạch vụ mùa của xã An Nhứt (huyện Long Điền), những chiếc máy gặt đập liên hợp nhẹ nhàng “ủi” qua từng mảnh ruộng, tạo nên những đường thẳng bắt mắt trên thảm lúa chín vàng. Ba nông dân khẩn trương cho số lúa thu hoạch vào bao để chờ tới lò sấy. Hơn 1 tiếng sau, 1ha ruộng đã được thu hoạch xong. Phụ phẩm thu hoạch là rơm cũng được những chiếc máy cuốn thành đống gọn gàng rồi đưa lên xe vận chuyển, không còn tình trạng rơm vứt bừa bãi trên ruộng, trên đường như trước.
Ông Huỳnh Văn Hoàng, cán bộ phụ trách nông nghiệp xã An Nhứt cho biết, 5 năm trước đây, nông dân ở xã thu hoạch bằng thủ công, nếu 30 người làm trong một ngày mới được 1,5ha, chưa kể phải mất gần 2 tiếng để đưa vào máy đập lúa. Với giá thuê nhân công khoảng 150 ngàn đồng/người/ngày, tiền thuê máy đập lúa, thu hoạch 1ha lúa cần 4,5 triệu đồng. Từ ngày dùng máy gặt đập liên hợp, chi phí thu hoạch chỉ còn 2 triệu đồng/ha. Tại xã An Nhứt có 430ha diện tích trồng lúa thì chỉ mất 20 ngày là thu hoạch xong; và việc sử dụng máy móc với năng suất lao động cao đã chấm dứt luôn cảnh thuê mướn nhân công trong mùa thu hoạch. “Nhờ giảm 70% thời gian, 50% chi phí thu hoạch, nông dân chủ động hơn trong việc chuẩn bị cho vụ sản xuất kế tiếp”, ông Hoàng nói.
Không chỉ trong khâu sản xuất và thu hoạch, các công đoạn bảo quản và chế biến cũng được chú trọng chuyển sang dùng máy móc và đem lại hiệu quả. Ông Nguyễn Hồng Hoàng, tổ trưởng tổ hợp tác tưới nước 4, xã An Nhứt cho biết thêm: “Trước đây, khi thu hoạch lúa, bà con phải đem lúa phơi ở trên đường đi, trong trường học, gây mấy an toàn giao thông cũng như ảnh hưởng đến học sinh. Lúa cũng bị hao hụt nhiều. Để khắc phục, hiện nhiều nơi đã sử dụng máy sấy lúa”. Trên địa bàn xã An Nhứt hiện có 6 lò sấy phục vụ 100% sản lượng lúa của bà con trong mùa thu hoạch. Những gia đình trồng giống lúa thơm chất lượng cao mà phơi theo lối truyền thống thì dễ bị vỡ hạt và giảm chất lượng, giá thành, nhưng dùng cách sấy thì hạt rất đẹp, không lo bị ép giá. Thương lái mua gạo ra tận đồng mua lúa tươi rồi sấy, xay xát số lượng lớn nên giảm chi phí, chất lượng gạo cũng đồng đều. Bà Nguyễn Thị Thảo, chủ một cơ sở sấy tại xã An Nhứt cho biết: “Hiện lò sấy của tôi có 5 máy với công suất 10 tấn/ngày. Đế sấy khô 1 tấn lúa chỉ cần 7 tiếng với giá 200 ngàn đồng/tấn”.
Theo ông Lê Thanh Liêm, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Châu Đức, với việc thực hiện cơ giới hóa nông nghiệp, khi gieo sạ đã có máy cày, máy làm đất, đến lúc thu hoạch lại có máy gặt đập liên hợp phục vụ tận nơi nên việc nhà nông trở nên nhẹ nhàng hơn. Đến nay toàn huyện có 55 máy cày, máy kéo có công suất trên 50CV; 25 máy tuốt lúa; 7 máy cắt và 7 máy gặt đập liên hợp. Số máy móc này đã góp phần rất tích cực trong việc đẩy nhanh tiến độ sản xuất, bảo đảm lịch thời vụ, nâng cao năng suất cây trồng tại các địa phương, đồng thời giải phóng sức lao động và giảm chi phí sản xuất cho nhà nông. Còn tại huyện Đất Đỏ, 16.000ha diện tích lúa gieo trồng đã sử dụng máy móc hầu như 100% trong các khâu làm đất, thu hoạch.
Ông Lê Tuấn Quốc, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, nông dân trong tỉnh hiện đã áp dụng rộng rãi máy móc ở nhiều khâu từ sản xuất đến thu hoạch. Toàn tỉnh có 78 máy gặt đập liên hợp, đáp ứng nhu cầu thu hoạch 24.000ha lúa (98% tổng diện tích), giảm hao hụt 3-5%; 3.000 máy làm đất trong đó 1.000 máy trên 50CV đáp ứng gần như 100% công đoạn làm đất trừ một số diện tích nhỏ nằm trên những đồi dốc khó canh tác. Công nghệ tưới nước tiết kiệm cũng được ứng dụng cho 263ha cây ngắn ngày với hệ thống tưới nhỏ giọt, tưới kết hợp với bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật. Đa số các hộ dân đều đã sử dụng máy bơm nước điện thay cho máy dùng xăng dầu, vừa tăng hiệu quả phân phối nước, giảm chi phí vận hành máy. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đang có 52 lò sấy với công suất trung bình 10-15 tấn/lò/ngày, phục vụ 40% sản lượng lúa của tỉnh. Theo Sở NN&PTNT, vụ sản xuất Đông Xuân năm 2015-2016 sắp tới, Sở có kế hoạch làm tăng mức độ cơ giới hóa trong sản xuất của các khâu: làm đất 100%, gieo trồng 20%, thu hoạch 99%, vận chuyển 100%, làm khô 80%, bảo quản, chế biến 95%.