Chẳng cần nhân viên tiếp thị, những giống lúa do ông Phùng Văn Quang, GĐ Cty TNHH Vật tư nông nghiệp Hồng Quang (Ninh Bình) tự chọn tạo đều được nông dân tin cậy. Khi “đứa con cả” QR1 đã khẳng định được thương hiệu, trở thành cái tên không thể thiếu trong cơ cấu giống lúa của nhiều tỉnh/thành trên cả nước, thì “đứa con thứ” DQ11 lại ra đời với nhiều đặc tính nổi trội, được Cục Trồng trọt đặc cách công nhận chính thức vào cuối năm 2013. Với kinh nghiệm lão làng trong lĩnh vực cung ứng vật tư nông nghiệp, ông Quang thừa hiểu nếu không có hạt giống lúa tốt trong tay, thì dù có quẳng bao nhiêu ra đồng ruộng, nông dân vẫn chẳng mặn mà. Huống hồ, doanh nghiệp của ông làm gì có nhiều tiền đến thế, mỗi vụ tặng các tỉnh vài tạ hạt giống mới để khảo nghiệm đã khó nhọc lắm rồi. Nếu không tin tưởng vào sản phẩm của mình, chẳng ai dại dột đi… ném tiền qua cửa sổ. Còn nhớ vào cuối năm 2013, khi lúa DQ11 được Cục Trồng trọt đặc cách công nhận chính thức, tôi đã về Yên Khánh tìm hiểu đặc tính nông học của giống lúa này. Đến giờ, trong đầu tôi vẫn nhớ như in lời của ông Chủ nhiệm HTX thôn Gia Thượng, thị trấn Yên Ninh: Từ năm 2009 trở lại đây, thôn đã đưa vào đồng đất các dòng lúa chủ đạo như LT2, BT7... Chất lượng của những loại gạo này đều thơm ngon. Nhưng 2 năm trở lại đây, tình trạng nhiễm bệnh khô vằn, đạo ôn, bạc lá xảy ra rất nghiêm trọng, ảnh hưởng mạnh đến năng suất. Riêng BT7 mỗi vụ phải phun đến 6 - 7 lần thuốc BVTV gây tốn kém cho nông dân. “Vụ mùa gặp mưa bão, tỷ lệ nhiễm bạc lá ngày càng trở nên nghiêm trọng thì giống DQ11 vẫn ổn định được năng suất, đạt 2,4 tạ/sào và tiêu tốn ít chi phí cho thuốc BVTV. Thời gian sinh trưởng của DQ11 gần tương đương với KD18, do đó việc đưa giống lúa này vào cơ cấu vụ mùa hằng năm có ý nghĩa quan trọng trong việc bố trí hợp lý trà lúa ngắn ngày để dành quỹ đất sớm phát triển cây vụ đông... Chỉ có nhược điểm là có hiện tượng bở đầu bông khi gặp thời tiết rét đậm, rét hại vào thời kỳ lúa trỗ”, ông Hanh nói. Đặc biệt, từ vùng đất mặn Cồn Thoi (huyện Kim Sơn, Ninh Bình), Giao Thủy (Nam Định) lên những cánh đồng vàn cao Yên Bái, Thái Nguyên, lúa DQ11 đều thể hiện sức sống mãnh liệt. Vụ xuân 2015, khi “chân ướt chân ráo” lên Thái Nguyên bị các giống lúa của các Cty lớn lấn át, DQ11 chỉ còn khoảng đất nhỏ để hút dưỡng chất. Thế mà, cây lúa lớn vù vù, cho năng suất vượt trội so với các giống lúa khác. Vụ mùa, Trung tâm Giống cây trồng Thái Nguyên quyết định mở rộng diện tích DQ11 ra nhiều địa phương. Mới đây ông Hoàng Văn Dương, xóm Làng Phan, xã Cổ Lũng, huyện Phú Lương... đã khẳng định, năng suất thực tế của lúa DQ11 trong vụ mùa còn cao hơn đánh giá có phần khiêm tốn của cán bộ xây dựng mô hình. Cụ thể, số hạt chắc trên tổng số hạt của một bông lúa được báo cáo là 185/218 hạt nhưng ông đã thống kê trong nhiều ngày thì thấy trung bình phải đạt 255 hạt chắc trên tổng số 280 hạt/bông. Nhiều bông đạt 302 hạt chắc trên tổng số 334 hạt. Chắc chắn, năng suất ước tính của cán bộ là 69 tạ/ha sẽ còn có khoảng cách so với năng suất thực của giống này. Ông Dương nhẩm tính thì năng suất thực của DQ11 vụ mùa này sẽ đạt 75 - 80 tạ/ha… Càng vui mừng hơn khi đến kỳ thu hoạch lúa mà cả cánh đồng gần như sạch bệnh hoàn toàn, không hề có dấu hiệu của đạo ôn, bạc lá, khô vằn nhiễm ở mức độ rất nhẹ. Từ thành công đó, Sở NN-PTNT Thái Nguyên đang xây dựng cơ chế chính sách để hỗ trợ giá giống cho người dân tham gia trồng DQ11 trong thời gian tới. Hiện nhóm giống lúa thuần đang được tỉnh này hỗ trợ giá với mức 20.000 đồng/sào. Nhắc mãi đến thành tích, dễ dẫn đến nhàm chán, tôi hỏi ông Hồng Quang rằng, đâu là những điểm yếu của DQ11? Ông bảo, khi gieo cấy ở những vùng đất quá trũng, nền ruộng yếu, khi gặp gió bão mạnh thì khả năng đổ cao. Nhưng hạn chế ấy xuất phát từ một đặc tính tốt, đó là số hạt/bông của DQ11 luôn rất cao. Không chỉ ghi điểm ở Thái Nguyên, ở nhiều tỉnh khác DQ11 cũng thành công. Qua đánh giá của Sở NN-PTNT các tỉnh Thái Bình, Vĩnh Phúc, Nam Định, Thừa Thiên - Huế, chất lượng gạo DQ11 ngon hơn hẳn Khang dân 18 và gần tương đương Bắc Thơm 7, HT1 và T10....