Bà Phan Thị Thu Sương, GĐ Ban Quản lý dự án Hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp (LCASP) tỉnh Bến Tre cho biết, dự án thực hiện từ năm 2013 - 2018 với 4 hợp phần: Quản lý chất thải chăn nuôi; Tín dụng cho các chuỗi giá trị khí sinh học; Chuyển giao công nghệ sản xuất nông nghiệp các bon thấp và Quản lý dự án. Sau hơn 18 tháng triển khai thực hiện hợp phần Quản lý chất thải chăn nuôi đã mang lại hiệu quả thiết thực. Các địa phương đã xây dựng được 2.380/3.600 công trình quy mô nhỏ, thể tích từ 50 m3 trở xuống. Với tiến độ này thì đến hết quý 2/2016, Bến Tre sẽ hoàn thành kế hoạch. Đòn bẩy đẩy nhanh tiến độ là dự án hỗ trợ 3 triệu đồng/công trình, Ngân hàng NN-PTNT cho vay 80%/tổng giá trị công trình, lãi bằng 90% lãi suất hiện hành. Song song đó, Ban Quản lý LCASP của tỉnh đã tích cực phối hợp với UBND huyện, các ngành, đoàn thể, UBND các xã, thị trấn; đặc biệt là ngành nông nghiệp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia. Công trình khí sinh học có ý nghĩa về mặt kinh tế - xã hội, tận dụng được nguồn khí sinh ra phục vụ trong sinh hoạt hàng ngày như đun nấu, thắp sáng, chạy máy phát điện… Đặc biệt, công trình góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường chăn nuôi, bảo vệ sức khoẻ của gia đình và cộng đồng. Phụ phẩm của công trình gồm nước thải và bã cặn sử dụng để tưới cây làm phân bón cho các loại cây trồng thay thế phân hóa học mà không sợ bị ô nhiễm. Trung tâm Khuyến nông - khuyến ngư Bến Tre ghi nhận, nhiều hộ chăn nuôi tận dụng nước thải từ công trình khí sinh học đã khắc phục được tình trạng thiếu nước tưới cho vườn cây ăn trái mà không tốn tiền mua phân bón. "Nhu cầu vay vốn của người chăn nuôi để xây dựng công trình khí sinh học rất nhiều nhưng bà con lại ngại giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ngân hàng. Nếu chương trình thoáng hơn, có cơ chế cho vay theo phương án tín chấp thì sẽ có nhiều công trình khí sinh học được xây dựng" - bà Sương chia sẻ. Chất thải rắn bơm lên mặt bờ được thấm vào đất tạo ra một lớp đất mới tơi xốp, giúp bộ rễ cây trồng phát triển mạnh. Với lớp đất này, nhà vườn không phải tốn công bồi bùn, đắp gốc cho cây. Kết quả nghiên cứu của các chuyên gia cũng cho thấy, dùng phụ phẩm lỏng từ công trình khí sinh học phun trên lá giúp tăng năng suất cây trồng bình quân khoảng 10% so với bón trực tiếp vào đất. Nếu bón phối hợp với phân vô cơ sẽ làm tăng độ hòa tan và hấp thu phân bón hóa học của đất; đồng thời hạn chế sự suy giảm chất dinh dưỡng, tăng hiệu suất sử dụng NPK lên từ 10 - 30%. Ngoài ra, cách làm này cũng thúc đẩy hoạt động của vi sinh vật, giữ phân cho đất, làm đất tơi xốp, tránh tình trạng đất bị chai do được bón quá nhiều phân hóa học. KS Nguyễn Chánh Bình, PGĐ Trung tâm Khuyến nông - khuyến ngư Bến Tre cho biết, việc sử dụng nước xả từ công trình khí sinh học tưới cho cây trồng, thay thế phân bón hóa học góp phần tiết kiệm chi phí SX, thân thiện với môi trường. Bà Thu Sương khẳng định, hợp phần Quản lý chất thải chăn nuôi đã phát huy tác dụng rõ rệt, địa phương mong dự án sớm hỗ trợ giai đoạn 2 và triển khai hợp phần Chuyển giao công nghệ sản xuất nông nghiệp các bon thấp nhằm giúp cộng đồng hưởng lợi. Đối với hợp phần tín dụng cho các chuỗi giá trị khí sinh học, đến nay có 148 hộ dân vay với dư nợ hơn 2,3 tỷ đồng để xây dựng công trình.