Kết hợp với một số biện pháp kỹ thuật khác, nhà vườn sẽ ghép nhân giống ổi thành công tuyệt đối.
1. Gieo trồng cây gốc ghép (9 - 10 tháng)
- Chọn hạt giống: Tất cả các loại ổi đều có thể lấy hạt gieo trồng làm cây gốc ghép. Ưu tiên chọn các hạt ổi rừng. Lấy những quả ổi đã chín hoàn toàn. Ngâm nước sạch 5 - 7 ngày, khi thịt quả lũa hết thì đãi lấy hạt. Đợi ráo nước. Ủ kín trong túi vải mềm 5 - 6 ngày. Hạt giống chớm nứt nanh thì đem gieo (trong quá trình ủ luôn đảm bảo đủ ẩm thường xuyên cho hạt giống). Thời vụ gieo: Sau tiết lập xuân (5/2) và lập đông (7/11).
- Gieo hạt trong bầu túi nilon chuyên dùng: Kích thước túi bầu 12 x 15 (có lỗ thoát nước ở đáy và ngang bầu). Giá thể bầu: Đất màu tốt + phân chuồng mục.
+ sỉ than, tỷ lệ 2:1:1 hoặc đất phù sa sông + sỉ than, tỷ lệ 3:1.
+ Gieo 1 - 2 hạt/bầu (khi cây cao 5 - 7cm tỉa để lại 1 cây khỏe). Xếp các bầu sít nhau lên mặt luống rộng 0,9 - 1,0m. Vét đất rãnh vun kín luống bầu cây.
+ Yêu cầu: Đất vườn ươm tơi xốp. Luống ươm bầu cao ráo, thoát nước tốt. Bón lót (1m2) mặt luống ươm bầu 3 - 4kg phân hữu cơ vi sinh + 05 - 0,7kg NPK Đầu trâu 13-13-13+TE.
- Gieo sạ hạt giống trên ruộng: Cần cân đối diện tích đất gieo hạt với nhu cầu sản xuất bầu cây giống cho phù hợp.
+ Với loại ổi quả nhỏ (ổi găng) 1 chén uống nước hoa hồng (6 - 7 nghìn hạt) cần 2,5 - 3m2 vườn. Loại ổi quả to (ổi lê Đài Loan 1 chén hoa hồng (2,0 - 2,5 nghìn hạt) cần 1,2 - 1,5m2 đất vườn.
+ Luống gieo hạt rộng 1 - 1,2m, cao 20 - 25cm. Bón lót (1m2) 7 - 10kg phân hữu cơ hoai mục + 0,7 - 1kg NPK Đầu trâu 13-13-13+TE. Rải đều phân trên mặt luống. Phủ đất lấp kín phân. Hạt giống (ngâm, ủ như gieo trong bầu túi nilon) gieo đều lên mặt luống. Lấp kín hạt bằng lớp đất mỏng. Tưới giữ ẩm bằng bình phun mưa. Khi cây mọc cao 12 - 15cm bứng trồng vào bầu túi nilon, 1 cây/1 bầu. Các bước tiếp theo xếp bầu lên luống ra vườn ươm làm như cách gieo hạt trực tiếp trong bầu đã trình bày trên.
2. Chăm sóc cây gốc ghép trong vườn ươm
- Sau gieo giống cần làm ngay mái lưới nilon đen che mưa và tán xạ cho vườn ươm. Tưới dưỡng ẩm thường xuyên. Theo dõi phòng trừ kịp thời sâu bệnh hại (thán thư, đốm lá, rệp muội, kiến và sâu cắn ngọn). Khi cây cao 5 - 7cm, dỡ mái che cho cây phát triển nhanh.
3. Ghép giống và chăm sóc cây giống sau ghép (khoảng 2 tháng)
+ Thời vụ ghép: đầu mùa xuân đến cuối mùa thu. Ghép khi cây cao 70 - 80cm. Tuổi cây 9 - 10 tháng.
+ Kỹ thuật ghép: Ghép đoạn cành Cắt bỏ ngọn cây gốc ghép trước ghép giống 12 - 15 ngày. Vị trí cắt tới thân cây già màu nâu. Trên cây lấy cành ghép, chọn các cành gầm già, khỏe, sạch sâu bệnh, bấm ngọn hoặc khoanh mịn ở ví trí gốc cành tới đứt lớp vỏ bì. Công việc này tiến hành trước ghép giống 5 - 7 ngày. Cắt các đoạn cành làm giống: Chỉ lấy các đoạn cành lá già đã rụng và có 2 - 3 mầm ngủ đã nổi gờ lên (một cành ổi thường chỉ lấy được 2 - 3 đoạn cành làm giống ghép). Tiến hành ghép: Tại gốc đoạn cành giống, cắt một vết vát dài 3,0 - 3,5cm, mở ra góc cắt 45 độ, lật ngược vết vát, hớt bỏ 0,5 - 1cm đầu vát. Trên cây gốc ghép cắt một lát vát có chiều dài tương đương vết vát đoạn cành ghép, mở 1 góc vát 15 - 20 độ (vết vát không được chạm vào thân lõi). Áp khít miệng gốc ghép và cành ghép. Dùng nilon ghép bao kín đoạn cành ghép và gốc ghép. Quấn chặt và cố định dây.
+ Ghép bổ sung: Sau ghép 15 - 20 ngày, cành ghép sẽ bật mầm. Nếu cây nào đoạn cành ghép bị thâm đen (chết), phải cắt bỏ hết phần ghép cũ và tiến hành ghép bổ sung bằng đoạn cành mới.
4. Chăm sóc cây giống sau ghép
+ Thường xuyên tỉa bỏ các mầm phát sinh ngoài cành ghép.
+ Chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh cho cây giống sau ghép như gieo nuôi cây gốc ghép.
* Thao tác cắt, ghép phải nhẹ nhàng, tránh gây trầy xước, bầm giập gốc ghép và đoạn cành ghép. Lát cắt ghép phải thật phẳng, để khi áp ghép vào nhau cành ghép và gốc ghép trùng khít không vênh, hở.