Nhu cầu sử dụng phân bón của ngành nông nghiệp ở ĐBSCL rất lớn. Đây là mảnh đất “màu mỡ” cho các đối tượng buôn bán phân bón kém chất lượng, phân giả hoạt động.
Theo các nhà khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp cảnh báo, việc đồng ruộng, vườn cây sử dụng phải phân bón giả không chỉ gây thiệt hại cho một vụ mùa mà phải mất thời gian rất lâu để cải tạo lại đất trồng.
TS. Vũ Tiến Khang, Trưởng Bộ môn Kỹ thuật canh tác, Viện lúa ĐBSCL cho rằng, tình trạng phân bón giả, phân bón trộn hiện nay khiến người dân khó có thể nắm bắt được. Bởi những “thiên la địa võng” trong mua bán, sản xuất phân giả đang bủa vây người nông dân hàng ngày trực tiếp với ruộng đồng.
Thực tế đang diễn ra cho thấy, hiện đa số các mẫu phân bón sai phạm, kém chất lượng lại không nằm ở các doanh nghiệp lớn mà phần lớn lại thuộc các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Những doanh nghiệp, cá nhân hoạt động theo dạng này thường thực hiện với hình thức vi phạm tinh vi. Thị trường mà các công ty này nhắm đến là khu vực nông thôn, thuộc vùng sâu, vùng xa.
“Nhiều đại lý phân bón đã nói mua phân trộn giá sẽ rẻ hơn. Khi trộn những hạt màu bón xuống ruộng nông dân cũng không biết. Còn nếu mua phân của công ty uy tín giá sẽ cao hơn. Có những lời chào hàng 1 bao phân lời cả vài trăm nghìn đồng, nếu mỗi ngày đại lý bán được 10 bao đã có tiền triệu. Chính từ những điều này khiến phân giả vẫn lọt vào đồng ruộng, nhất là vùng đất lúa”, TS. Vũ Tiến Khang cảnh báo
Phân tích từ các nhà khoa học cho thấy, phân bón kém chất lượng hay phân bón giả ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất nông nghiệp. PGS.TS. Mai Thành Phụng, chuyên gia nông nghiệp cho rằng, phân giả trực tiếp gây tác hại lớn đến năng suất, chất lượng sản phẩm, từ đó gây mất mùa.
Đồng thời với đó, phân bón giả còn ảnh hưởng lớn đến đất trồng, nguồn nước và gây ô nhiễm môi trường. Bởi trong các loại phân giả, kém chất lượng có những chất độc hại, kim loại nặng, gây nguy hiểm cho môi trường rất lớn mà chúng ta chưa đánh giá được. Từ đó, sức khỏe cộng đồng cũng bị ảnh hưởng do các chất độc hại còn tồn dư.
“Phân bón giả gây nguy hại môi trường và sức khỏe cộng đồng và ảnh hưởng đến uy tín, chất lượng nông sản phẩm phân bón thật, làm giảm tính cạnh tranh. Nếu bón sai, bón nhầm phân bón giả có xi măng, muối cho đất sẽ làm hư kết cấu đất trồng trọt rất lâu dài, rất lâu mới khắc phục được”, PGS.TS. Mai Thành Phụng nêu rõ.
Để hạn chế phân bón giả “len lỏi” vào các đồng ruộng ở ĐBSCL, PGS. TS. Mai Thành Phụng nêu rõ, cần đẩy mạnh mô hình liên kết nông dân vào các tổ hợp tác, hợp tác xã. Từ đó, xây dựng thành các mô hình sản xuất “cánh đồng lớn”. Khi sản xuất lớn thì hợp tác xã sẽ liên kết với các doanh nghiệp sản xuất phân bón để cung cấp nguồn vật tư nông nghiệp với chất lượng tốt, có uy tín.
Còn theo PGS.TS. Trần Kim Tính, Trưởng phòng thí nghiệm chuyên sâu, chuyên gia về đất và phân bón, thuộc Trường Đại học Cần Thơ, cần đẩy mạnh tuyên truyền cho nông dân về các giải pháp phân biệt giữa phân giả, phân kém chất lượng và phân bón thật có uy tín.
Cùng với đó là tăng cường kiểm tra và xử lý quyết liệt hơn nữa từ các cơ quan chức năng đối với các cơ sở, doanh nghiệp, đại lý sản xuất, mua bán phân giả, kém chất lượng; đồng thời, tăng trách nhiệm của chính quyền địa phương.
“Đại lý bán phân phải chịu trách nhiệm với phân bón giả. Đặc biệt cần giao trách nhiệm của các địa phương trong việc kiểm tra, kiểm soát các cơ sở có dấu hiệu sản xuất và kinh doanh phân bón giả. Ngoài ra cần sớm mở các lớp tập huấn cho người nông dân nhận biết và phòng ngừa với phân bón giả”, PGS.TS. Trần Kim Tính khuyến cáo.
Dư luận cho rằng, mức xử phạt hiện nay đối với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phân bón giả, kém chất lượng không đủ sức răn đe do lợi nhuận mang lại quá lớn. Do đó, việc ngăn chặn, loại trừ phân bón giả là vấn đề cần thực hiện quyết liệt với việc loại trừ “thẳng tay” đối với các doanh nghiệp làm phân giả, kém chất lượng./.