Tham dự Hội thảo có Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng, GS. TS. Hoàng Văn Phong - Phái viên của Thủ tướng Chính phủ về KH&CN, Chủ tịch Hội đồng chính sách KH&CN quốc gia, cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị có liên quan thuộc Bộ KH&CN, đại diện các đơn vị thuộc Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, đại diện các đơn vị thuộc Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, lãnh đạo Sở KH&CN một số tỉnh/thành phố, đại diện một số Trung tâm tư vấn và chuyển giao công nghệ tại các Viện, Trường và đại diện một số doanh nghiệp.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Trần Văn Tùng nhấn mạnh, đối với Việt Nam hiện nay, đổi mới công nghệ là vấn đề hết sức quan trọng để có thể nhanh chóng thu hẹp khoảng cách về KH&CN, góp phần đưa đất nước cơ bản thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. Cùng với đó, doanh nghiệp đang đóng vai trò trung tâm của quá trình đổi mới công nghệ quốc gia, là địa chỉ ứng dụng công nghệ quan trọng nhất và mang tính quyết định của nền kinh tế. Nhiều doanh nghiệp trong nước, dưới sức ép của thị trường cạnh tranh ngày càng cao, đã cố gắng đổi mới công nghệ thông qua các hoạt động chuyển giao công nghệ để sản xuất ra các sản phẩm có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, không thua kém hàng nhập khẩu.
“Tuy nhiên, việc tham gia vào chuyển giao công nghệ thường gặp nhiều khó khăn do hạn chế về thông tin công nghệ, nguồn nhân lực để tìm kiếm và đánh giá, lựa chọn công nghệ phù hợp với doanh nghiệp. Đó chính là lý do cần có sự hỗ trợ từ các tổ chức tư vấn, môi giới và xúc tiến chuyển giao công nghệ. Nhận thức được vai trò và tầm quan trọng của việc phát triển các tổ chức này, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã nêu rõ phải đẩy mạnh phát triển thị trường KH&CN trong đó việc phát triển mạng lưới các tổ chức dịch vụ kỹ thuật KH&CN, môi giới, chuyển giao, tư vấn, đánh giá và định giá công nghệ là những việc trọng tâm triển khai sớm”, Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho hay.
Do vậy, sự hỗ trợ của các tổ chức tư vấn, môi giới chuyển giao công nghệ sẽ giúp nâng cao hiệu quả trong đàm phán mua/bán công nghệ cũng như giúp xử lý tốt các vấn đề phức tạp trong suốt quá trình chuyển giao công nghệ. Vai trò và phạm vi hoạt động của tổ chức tư vấn, môi giới chuyển giao công nghệ ngày càng được mở rộng, không chỉ là người tìm kiếm những khách hàng thích hợp mà trở thành đối tác của các ngân hàng, các quỹ đầu tư, tạo điều kiện tìm kiếm những khoản tín dụng, tiền trả trước...
Hiện nay, ngoài các trung tâm ứng dụng tiến bộ địa phương, đa phần các tổ chức tư vấn, môi giới và xúc tiến chuyển giao công nghệ trực thuộc các trường, viện và các doanh nghiệp. Do những lợi ích chung giữa các tổ chức này đã hình thành các mối liên kết để chia sẻ những thông tin cung/ cầu/ chuyên gia công nghệ….Tuy nhiên, sự liên kết này còn rời rạc và chưa thực sự hướng tới các mục tiêu lâu dài. Cùng với đó, các hoạt động chuyển giao công nghệ, tư vấn hỗ trợ chuyển giao công nghệ chưa được hỗ trợ mạnh mẽ và có hiệu quả từ nhà nước; Doanh thu trực tiếp từ các hoạt động tư vấn, môi giới chuyển giao công nghệ chiếm tỷ lệ còn thấp trong tổng doanh thu của các tổ chức này. Điều đó đòi hỏi cần hoàn thiện lại hệ thống văn bản pháp luật nhằm hỗ trợ, thúc đẩy phát triển các tổ chức tư vấn, môi giới chuyển giao công nghệ cũng như hình thành mạng lưới các tổ chức môi giới chuyển giao công nghệ.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe báo cáo về thực trạng hoạt động các tổ chức tư vấn, môi giới và xúc tiến chuyển giao công nghệ; vai trò của các hoạt động tư vấn chuyển giao công nghệ đối với các Viện, trường, vai trò của các hoạt động tư vấn chuyển giao công nghệ đối với doanh nghiệp cũng như các kinh nghiệm chuyển giao công nghệ thành công từ các tổ chức tư vấn, xúc tiến chuyển giao công nghệ. Các chuyên gia đầu ngành, các nhà quản lý, lãnh đạo các doanh nghiệp, viện trường đã chia sẻ những ý kiến đóng góp, những kinh nghiệm về hoạt động tư vấn, môi giới và xúc tiến chuyển giao công nghệ và các mối liên hệ giữa các tổ chức trung gian với các Viện, trường và doanh nghiệp.
Theo đó, với vai trò cầu nối quan trọng trong thị trường công nghệ, các tổ chức tư vấn, môi giới và xúc tiến chuyển giao công nghệ cần được tạo điều kiện để phát triển mạnh mẽ hơn để hỗ trợ tốt cho các hoạt động chuyển giao công nghệ, đặc biệt là chuyển giao công nghệ từ các Viện, trường cho doanh nghiệp ở Việt Nam. Nhà nước cần có những hỗ trợ cụ thể và thiết thực đối với các tổ chức này. Cùng với các mô hình chợ công nghệ và thiết bị, sàn giao dịch công nghệ, trình diễn kết nối cung-cầu công nghệ đang được triển khai có hiệu quả, Nhà nước cần có các chính sách hỗ trợ thành lập các công ty định giá công nghệ, tổ chức chuyển giao công nghệ trong các trường đại học và viện nghiên cứu; khuyến khích, hỗ trợ phát triển các tổ chức thuộc khu vực tư nhân thực hiện dịch vụ kỹ thuật, môi giới, tư vấn, đánh giá, định giá, thẩm định công nghệ.
Bên cạnh đó, Nhà nước cần có các chính sách đầu tư đúng mức để hình thành mạng lưới các tổ chức tư vấn, môi giới, xúc tiến chuyển giao công nghệ với hạt nhân là các tổ chức công lập nhằm hỗ trợ nâng cao cơ sở vật chất, chia sẻ cơ sở dữ liệu, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ hoạt động tư vấn, môi giới, xúc tiến chuyển giao công nghệ ở Việt Nam.
Từ những kinh nghiệm, bài học được chia sẻ tại Hội thảo, Bộ KH&CN sẽ xây dựng các chính sách cụ thể nhằm hỗ trợ, thúc đẩy các hoạt động tư vấn, môi giới và xúc tiến chuyển giao công nghệ ở Việt Nam, góp phần nâng cao năng lực công nghệ quốc gia và hiệu quả hoạt động chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp./.