Hiện nay, công tác dự phòng trong chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em được nhà nước ta đặc biệt quan tâm, mục tiêu hàng đầu được đề ra giảm thiểu tối đa mức lây nhiễm các bệnh lý từ mẹ sang con như: viêm gan siêu vi B, bệnh Rubella, bệnh thủy đậu…
Bệnh viêm gan siêu vi B
Virút viêm gan B có thể gây ra các bệnh lý gan nặng như: viêm gan cấp tính, viêm gan mạn tính dẫn đến xơ gan, suy gan, tử vong do hôn mê gan và ung thư gan. Virút viêm gan B lây truyền qua đường máu, quan hệ tình dục và từ mẹ sang con. Trẻ sơ sinh có mẹ bị nhiễm virút viêm gan B có nguy cơ cao bị nhiễm trong quá trình chuyển dạ và sau sinh. Rất cần thiết cho các bà mẹ trẻ lập gia đình có kế hoạch sinh bé tiêm ngừa viêm gan siêu vi B. Tốt nhất là tiêm ngừa trước khi mang thai. Cụ thể cần làm xét nghiệm HBsAg và anti HBs trước khi tiêm ngừa vắc-xin virút viêm gan B. Trường hợp HBsAg âm tính, anti HBs âm tính, cần tiêm ngừa ngay, số mũi tiêm 3 - 4 mũi trong vòng 6 tháng, trường hợp HBsAg âm tính, anti HBs dương tính bạn đã có kháng thể virút viêm gan B rồi không cần phải tiêm. Trường hợp HBsAg dương tính, bạn đã nhiễm virút viêm gan B, và cần phải làm thêm xét nghiệm HBeAg, anti HBe để đánh giá mức độ lây nhiễm và cần đi khám bác sĩ chuyên khoa gan để được tư vấn và điều trị tốt. Trong trường hợp bạn đã có thai mà kết quả chưa có kháng thể kháng virút viêm gan B, vẫn có thể tiêm ngừa vắc-xin virút viêm gan B trong lúc mang thai và sau khi sinh, vì đây là loại vắc-xin virút viêm gan B đã bất hoạt hoàn toàn không ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.
Bệnh rubella
Rubella là một bệnh sốt phát ban lành tính do virút gây ra, ảnh hưởng tới da và các hạch bạch huyết. Rubella có thể truyền từ mẹ sang thai nhi qua đường máu. Mặc dù đây chỉ là một bệnh nhẹ đối với trẻ em, song nó lại là hiểm họa đối với bà mẹ mang thai, đe dọa gây ra hội chứng rubella bẩm sinh ở bào thai đang phát triển.
Khi bà mẹ bị nhiễm virút rubella trong 3 tháng đầu của quá trình mang thai, có tới 90% số trường hợp người mẹ có thể truyền virút sang thai nhi. Hậu quả thai nhi bị chết hoặc có thể gây hội chứng rubella bẩm sinh. Nếu như ở trẻ nhỏ nhiễm rubella chỉ biểu hiện nhẹ, thì ở trẻ sơ sinh mắc hội chứng rubella bẩm sinh sẽ phải gánh chịu những dị tật nặng nề. Ngoài điếc là dị tật thường gặp, hội chứng rubella bẩm sinh còn có dị tật ở mắt, tim và não. Vì vậy, dự phòng không để lây nhiễm bệnh rubella trước khi mang thai trong vòng 30 ngày, tốt nhất là tiêm ngừa 1 mũi duy nhất vắc-xin rubella đơn độc hoặc tiêm kết hợp với sởi, quai bị (MMR: Measles, Mumps, Rubella). Lưu ý: trước khi tiêm, cần làm xét nghiệm rubella IgG và IgM. Trong trường hợp IgG dương tính, bạn đã có kháng thể kháng rubella không cần phải tiêm ngừa. Trường hợp IgG âm tính, IgM âm tính bạn cần tiêm ngừa ngay sau 1 tháng mới có thai được. Trường hợp IgG âm tính và IgM dương tính, IgG dương tính và IgM dương tính bạn là người đang bị nhiễm rubella không nên có thai vào thời điểm này sau 3 tháng sau mới có thai. Khi bà mẹ đang mang thai không được tiêm ngừa rubella, mà ngay sau khi sinh nên tiêm ngừa.
Bệnh thủy đậu
Bệnh thủy đậu là bệnh lây lan qua đường hô hấp hoặc tiếp xúc trực tiếp do nhiễm Varicella zoster virus (VZV). Triệu chứng lâm sàng biểu hiện: sốt, mệt mỏi và nổi bóng nước khắp người, đường kính bóng nước từ 2 - 5mm. Biến chứng viêm phổi.
Đối với những bà mẹ bị bệnh thủy đậu nguyên phát khi mang thai, sự ảnh hưởng của bệnh trên thai nhi tùy vào từng giai đoạn tuổi thai: trong 3 tháng đầu, đặc biệt tuần lễ thứ 8 - 12 của thai kỳ, nguy cơ thai nhi bị hội chứng thủy đậu bẩm sinh là 0,4%. Biểu hiện thường gặp nhất của hội chứng thủy đậu bẩm sinh là sẹo ở da. Những bất thường khác có thể xảy ra là tật đầu nhỏ, bệnh lý võng mạc, đục thủy tinh thể, nhẹ cân, chi ngắn, chậm phát triển tâm thần. Trong 3 tháng giữa, đặc biệt tuần 13 - 20 của thai kỳ, nguy cơ thai nhi bị hội chứng thủy đậu bẩm sinh là 2%. Sau tuần lễ thứ 20 thai kỳ, hầu như không ảnh hưởng trên thai. Nếu người mẹ nhiễm bệnh trong vòng 5 ngày trước sinh và 2 ngày sau sinh, bé sơ sinh dễ bị bệnh thủy đậu lan tỏa do mẹ chưa có đủ thời gian tạo kháng thể truyền cho thai nhi trước sinh. Tỉ lệ tử vong bé sơ sinh lúc này lên đến 25 - 30% số trường hợp bị nhiễm. Vì vậy, việc tiêm ngừa bệnh thủy đậu cho các bà mẹ là rất cần thiết, nếu trước đó chưa được tiêm ngừa bệnh thủy đậu. Vắc-xin thủy đậu 2 liều, cách nhau 4 - 8 tuần. Sau khi tiêm ngừa tối thiểu 30 ngày mới có khả năng có thai. Trong lúc mang thai không được khuyến cáo là tiêm ngừa vắc-xin thủy đậu mà sau khi sinh xong mới tiêm ngừa thủy đậu.
Bệnh cúm
Bệnh cúm là bệnh truyền nhiễm gây ra bởi virút cúm (influenza). Bệnh có thể lan truyền rất mạnh và rất nhanh, gây nhiều biến chứng. Bệnh được xem là bệnh của đường hô hấp nhưng lại gây ảnh hưởng toàn bộ cơ thể. Bệnh có thể gặp ở tất cả các nhóm tuổi. Giai đoạn đầu của cúm thường kéo dài khoảng 3 ngày gồm các triệu chứng như sốt, lạnh run, nhức đầu, đau cơ, mệt mỏi, ăn không ngon. Khi bệnh tiến triển, các triệu chứng hô hấp sẽ xuất hiện như ho khan, sổ mũi, đau họng. Sốt là triệu chứng quan trọng, nhiệt độ thường tăng nhanh và cao đến 40 - 410C, sốt thường kéo dài 3 ngày đầu, nhưng có thể đến 4 - 8 ngày. Những bà mẹ mang thai mắc bệnh cúm có thể bị những bệnh lý rất nghiêm trọng ảnh hưởng đến trẻ. Các biến chứng từ nhiễm cúm bao gồm: sinh non, trẻ nhẹ cân so với tuổi thai và tử vong. Dự phòng bệnh cúm các bà mẹ có thể tiêm ngừa vắc-xin cúm đã bất hoạt (Influenza IIV) có thể tiêm trước khi mang thai, trong thai khi kỳ tuổi thai từ 15 tuần trở đi và sau khi sinh. Chống chỉ định tiêm loại vắc-xin cúm sống (Influenza LAIV) trong thai kỳ. Tất cả mọi người đều có thể tiêm ngừa cúm mỗi năm để bảo vệ bản thân và gia đình.
|