Thời gian qua, các tàu đánh bắt xa bờ gặp nhiều khó khăn trong vấn đề nước sinh hoạt. Khi ra khơi, mỗi tàu cá chỉ chở kèm theo được 4-6m3 nước ngọt để phục vụ sinh hoạt cho khoảng 10 thuyền viên. Do vậy, các tàu đánh bắt hải sản xa bờ thường xuyên xảy ra tình trạng thiếu nước ngọt. Mỗi khi hết nước ngọt, ngư dân phải bỏ ngư trường đi vào các đảo để tiếp nước. Việc này vừa giảm năng suất đánh bắt, lại vừa tốn nhiên liệu. Từ thực tế đó, trong quá trình theo học thạc sĩ ở Đức, anh Trần Thái Sơn (sinh năm 1986, giảng viên Khoa Cơ khí Trường Đại học BR-VT) đã dành công sức tìm hiểu công nghệ xử lý nước biển thành nước ngọt để phục vụ ngư dân. Sau khi trở về Việt Nam năm 2013, anh Trần Thái Sơn cùng 2 giảng viên trẻ cũng thuộc Khoa Cơ khí Trường Đại học BR-VT là Nguyễn Văn Hòa (sinh năm 1987) và Đinh Ngọc Đức (sinh năm 1990) bắt tay vào sản xuất thử nghiệm máy lọc nước biển thành nước ngọt. Nhờ sự hỗ trợ của trường, sau một thời gian nghiên cứu, nhóm đã sản xuất thành công máy lọc nước biển thành nước ngọt.
Anh Trần Thái Sơn cho biết, máy lọc nước biển thành nước ngọt có nhiều thiết bị như: màng lọc, đầu bơm, vỏ, khung... Trong đó, “trái tim” của hệ thống là màng lọc, dùng để tách muối, biến nước mặn thành nước ngọt bằng công nghệ RO. Theo đó, nước biển sau khi bơm cấp vào máy sẽ được lọc bằng cụm màng lọc thô để loại bỏ chất bẩn cho ra nước biển sạch. Nước biển sạch sẽ đi qua một máy nén áp suất cao để đẩy qua màng lọc RO. Tại đây, muối và các tạp chất khác sẽ được lọc sạch để cho ra nước ngọt tinh khiết có thể uống được. Sản phẩm nước ngọt đầu ra của máy lọc nước biển này đã được Bộ Y tế chứng nhận đạt tiêu chuẩn nước uống. Với loại máy có công suất 100 lít/giờ, giá thành mỗi chiếc 70 triệu đồng. Thời gian đầu thử nghiệm trên tàu cá, do nguồn điện trên tàu không ổn định nên chất lượng nước đôi khi chưa bảo đảm yêu cầu. Sau đó, nhóm đã nghiên cứu, điều chỉnh để máy sử dụng nguồn điện trực tiếp từ động cơ máy nổ của tàu cá. Giải pháp này vừa khắc phục được nhược điểm máy hay bị cháy, lại vừa giảm giá thành (chỉ còn 50 triệu đồng/ máy). Ngay sau khi thử nghiệm thành công trên tàu cá, sản phẩm máy lọc nước biển thành nước ngọt của Trường Đại học BR-VT hiện đã được cung cấp cho nhà giàn DK1 (15 cái), Cảnh sát biển (8 cái) và Hải đoàn 129 (7 cái).
Theo Thượng tá Nguyễn Thế Dĩnh, Chính trị viên Tiểu đoàn DK1 (Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân), trước đây, nước ngọt để cán bộ, chiến sĩ trên các nhà giàn DK1 ăn uống chủ yếu từ nguồn nước mưa nên việc sử dụng nước phải hết sức tiết kiệm (mỗi người chỉ được sử dụng 20 lít nước mưa/tuần). Vào mùa khô, đơn vị phải chuyển nước ngọt từ đất liền ra nhà giàn, vừa khó khăn lại vừa tốn kém. Từ khi có máy lọc nước biển thành nước ngọt đã giải quyết được khó khăn về nước ngọt cho cán bộ, chiến sĩ nhà giàn. Hiện mỗi ngày, 1 máy có thể lọc được 300 lít nước, đủ cung cấp nước ngọt phục vụ ăn uống, sinh hoạt thoải mái cho cán bộ, chiến sĩ ở các nhà giàn.
Dự án máy lọc nước biển thành nước ngọt từng đạt giải 3 cuộc thi sáng tạo KH-KT tỉnh BR-VT năm 2014-2015. Năm 2014, Bộ KH-CN phê duyệt dự án KH-CN cấp Quốc gia “Nghiên cứu hoàn thiện công nghệ sản xuất thử nghiệm thiết bị lọc nước biển thành nước ngọt công suất 500 lít/ngày phục vụ tàu đánh cá xa bờ” giao cho Trường Đại học BR-VT thực hiện từ tháng 11-2014 đến tháng 6-2017 và cấp 2 tỷ đồng để nhà trường thực hiện dự án. Triển khai thực hiện dự án trên, Trường Đại học BR-VT đã xây dựng xưởng sản xuất máy lọc nước biển thành nước ngọt tại TP.Vũng Tàu. Thời gian qua, nhóm thực hiện dự án của Trường Đại học BR-VT đã chế tạo thành công máy lọc nước biển thành nước ngọt với nhiều loại công suất khác nhau: 100 lít/giờ, 300 lít/giờ và trên 500 lít/giờ. Hiện nay, nhóm thực hiện dự án đang tiến hành sản xuất khoảng 200 máy lọc nước biển thành nước ngọt để phục vụ bà con ngư dân và lực lượng Hải quân, Cảnh sát biển.
Nối tiếp thành công của dự án, nhóm thực hiện dự án đã mở rộng nghiên cứu thêm bộ phận xử lý phèn để chế tạo máy lọc nước nhiễm mặn thành nước ngọt phục vụ cho người dân các tỉnh miền Tây.