Theo Business Insider, các nhà khoa học đã tiến hành một số bài kiểm tra trên loại vật liệu mới, bao gồm thử nghiệm khả năng tự chữa lành các vết cắt và trầy xước. "Sau khi bị cắt tới một nửa, vật liệu sẽ có khả năng tự liền lại vết cắt sau 24 giờ", Chao Wang, nhà khoa học đứng đầu dự án nghiên cứu cho biết.
Loại vật liệu mới cũng rất đàn hồi khi có thể kéo dài ra tới 50 lần so với kích thước ban đầu nhờ được cấu tạo từ polymer dẻo và muối ion. Ngoài ra, khả năng tự chữa lành các vết trầy xước của loại vật liệu này tới từ một loại tương tác đặc biệt bên trong nó là tương tác ion-lưỡng cực, một loại tương tác giữa các ion dẫn điện và các phân tử ở mỗi cực. Điều này có nghĩa là khi có vết trầy xước xuất hiện trên vật liệu, các ion và phân tử sẽ hút nhau để hàn gắn lại và đưa vật liệu về trạng thái ban đầu.
Ông Wang cho biết đây là lần đầu tiên các nhà khoa học tạo ra được loại vật liệu tự phục hồi có thể dẫn điện được. Nhờ vậy, loại vật liệu này có thể được ứng dụng vào làm màn hình smartphone và pin.
Trước đó, một số smartphone của LG như G Flex cũng có một loại vật liệu khá tương tự ở mặt lưng để có thể tự chữa lành các vết trầy xước. Tuy nhiên, loại vật liệu của LG lại không thể dẫn điện nên các kĩ sư không thể dùng nó để làm màn hình smartphone được.
Hầu hết các màn hình smartphone hiện nay đều có một lưới điện cực ở bên dưới và khi người dùng chạm vào, ngón tay của họ sẽ tạo thành một mạch điện hoàn chỉnh với màn hình. Nhờ vậy, smartphone có thể biết được bạn đang đặt ngón tay ở đâu trên màn hình để đưa ra phản hồi phù hợp.
Ông Wang dự đoán là loại vật liệu tự phục hồi mới này sẽ được ứng dụng vào làm màn hình smartphone và pin vào năm 2020. "Các loại vật liệu tự phục hồi có vẻ khá xa lạ trong thực tế nhưng tôi tin là chúng sẽ sớm có mặt trên các smartphone", ông Wang cho biết: "Trong vòng 3 năm tới, nhiều loại vật liệu tự phục hồi sẽ được đưa ra thị trường và làm thay đổi cuộc sống của chúng ta. Chúng sẽ làm cho những chiếc smartphone trở nên tốt hơn nhiều so với hiện nay".