Một startup muốn thành công thì ngoài việc có ý tưởng tốt, chọn đúng điểm rơi về thị trường, sản phẩm, cung –cầu của hàng hoá… thì việc quan trọng nhất để thành công là phải thuyết trình được các quỹ đầu tư mạo hiểm chịu “mở hầu bao” rót vốn, một việc khó như hái sao trên trời vậy. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn có nhiều startup gọi được vốn với con số trong mơ trong khi nhiều startup khác thì không thể, vậy hãy nghe chính các Quỹ đầu tư mạo hiểm với 4 lời khuyên hữu ích.
Trước khi phải thuyết trình (pitch) trước các nhà đầu tư, đa phần startup sẽ có sự chủ động chuẩn bị một bài nói hiệu quả, thuyết phục về ý tưởng kinh doanh cũng như sản phẩm của mình. Tuy nhiên, chính vì quá chú trọng vào vấn đề này mà thường các diễn giả quên mất việc tự hỏi các nhà đầu tư thực sự muốn nghe gì.
Rahul Varshneya, doanh nhân kiêm cố vấn khởi nghiệp, chủ các chuyên mục khởi nghiệp, kinh doanh tại các báo Entrepreneur, Forbes, HuffPost…cho rằng, chính các quỹ đầu tư mạo hiểm chứ không phải ai khác mới là người thầy chuẩn nhất cho các starup về việc phải nói gì trong bài thuyết trình để thuyết phục được họ rót vốn cũng như giành được sự chú ý từ công chúng.
Phải mở đầu phần thuyết trình với số liệu cụ thể
Dave McClure, nhà sáng lập của Quỹ đầu tư mạo hiểm 500 Startups, thường khuyến khích các doanh nhân khởi nghiệp tập trung nói về vấn đề các khách hàng đang gặp phải cần giải pháp công nghệ/ sản phẩm đáp ứng nhu cầu đó.
Ngoài ra, nếu các startup đã có sẵn một lượng người nhất định dùng sản phẩm, dù có doanh thu hay chưa, thì cần nhanh chóng chỉ ra ngay điều này trong phần mở đầu của bài thuyết trình.
“Hãy mở đầu luôn với thông tin về số lượng người dùng sản phẩm. Nói cụ thể về các khách hàng, số liệu doanh thu…Tập trung vào những gì rõ ràng, cụ thể”, Dave nói. Tuy vậy, đối với những startup mới và chưa có kết quả gì sau một thời gian hoạt động thì có thể bắt đầu phần giới thiệu từ vấn đề của khách hàng, thị trường và giải pháp mà công ty nghĩ rằng có thể giải quyết bài toán đó.
Hãy kể câu chuyện của mình một cách tâm huyết nhất
Trên trang blog của mình, Tomasz Tunguz, đối tác của Quỹ đầu tư mạo hiểm Redpoint chia sẻ về “nguyên liệu bí mật” dành cho bài thuyết trình gây quỹ đầu tư tốt nhất của startup.
Theo đó, những phần giới thiệu thành công nhất luôn làm cho người khác tin rằng thị trường thực sự sẽ mở ra không giới hạn, chấp nhận giải pháp công nghệ mà startup cung cấp theo đúng tầm nhìn của nhà sáng lập.
Đối tác Redpoint nghĩ rằng không có một công thức cụ thể để các nhà khởi nghiệp thuyết phục được quỹ đầu tư mạo hiểm cũng như công chúng. Một số người thích sử dụng dữ liệu. Người khác thích mở đầu một cách logic. Một số khác nữa khai thác cảm xúc và niềm đam mê để làm chất liệu…
“Dù điều đó là gì, những người với khả năng dẫn dắt, truyền cảm hứng cùng cách kể chuyện đặc biệt chắc chắn sẽ làm người nghe quên đi mọi nghi ngờ, bỏ qua cả những rủi ro lớn mà một startup phải đối mặt khi bắt đầu khởi nghiệp kinh doanh”, Tomasz cho biết.
Phân tích thị trường một cách thấu đáo như bạn chắc chắn chiếm được 70% thị phần
Trong nhiều bài giảng tại các lớp học Kinh doanh trường Đại học Standford của Douglas Leone- Đối tác quản lý Quỹ đầu tư mạo hiểm Sequoia Capital, ông thường nói tốt nhất đừng làm tốn thời gian của nhà đầu tư bằng cách không có chút hiểu biết nào về thị trường mục tiêu của sản phẩm.
Douglas cũng kịch liệt phản đối các câu kiểu “Đây là một thị trường nóng, tiềm năng”, “Đây là một thị trường lớn” hoặc “Tất cả những gì chúng tôi cần là chiếm lấy 3% thị phần và sau đó sẽ trở thành công ty lớn”…xuất hiện trong bài thuyết trình của startup.
“Tất cả các câu trên đều sai. Đó không phải là cách thị trường vận hành. Người thắng cuộc phải chiếm được đến 70% thị phần”, ông nói. “Đừng có trình chiếu một bản powerpoint gồm 23 trang nhưng chỉ có 2 trang để nói về thị trường”.
Douglas cho biết điều các nhà đầu tư tìm kiếm là một lối tư duy rõ ràng, đúng đắn, thực tế chứ không phải là một bản thuyết trình màu mè. Và nên thay tất cả ngôi xưng “tôi” thành “chúng tôi”.
Hãy chắc rằng sản phẩm của bạn thực sự thân thiện với người sử dụng
Paul Graham, Nhà sáng lập của Quỹ Y Combinator cho biết mục tiêu cơ bản của các nhà sáng lập không phải là giới thiệu, mô tả hệ thống của mình hoạt động ra sao ngay lập tức mà là thuyết phục các nhà đầu tư tại sao bạn xứng đáng được dành một cơ hội để trình bày sâu hơn.
“Đây không chỉ là câu chuyện về sản phẩm hay thị trường. Nếu không biết cách giao tiếp, thuyết phục công chúng, các startup cũng không thể nhận lại gì nhiều từ đó cho dù sản phẩm của các bạn có phục vụ được nhu cầu của họ đi chăng nữa”, Paul nhận định.
Vì vậy, một cách giới thiệu trực diện, đơn giản, ngắn gọn theo ông là đủ hiệu quả. Ngay từ câu đầu tiên, hãy giới thiệu bạn là ai và bạn làm gì, ví dụ: Chúng tôi là Jeff và Bob và cả hai đang xây dựng một cơ sở dữ liệu dựa trên nền tảng web rất dễ sử dụng.