Mới là sinh viên nhưng Võ Ngọc Tiếng, khoa kỹ thuật công nghệ, trường ĐH Phạm Văn Đồng, Quảng Ngãi, đã tạo ra một chiếc máy ấp trứng có tỉ lệ nở thành công lên đến 90% và đã chuyển giao cho một số gia đình ở địa phương mình.
Điều khiển máy ấp trứng bằng...điện thoại
Võ Ngọc Tiếng sinh ra trong một gia đình làm trang trại gia cầm lớn nhất nhì tại vùng quê xã Bình Trị, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi.
Tiếng cho biết, giá chênh lệch giữa trứng ấp và giá bán sau khi ấp nở thành công là rất lớn, có thể chênh nhau tới 15.000 đồng. Quả thật đây là một khoản lợi nhuận rất lớn đối gia đình làm trại gia cầm. Vì là một khoản lợi nhuận lớn, nên vấn đề tăng tỉ lệ ấp trứng thành công luôn là bài toán lớn của mỗi chủ trang trại.
“Mấy chục năm làm trang trại gia cầm, bố mẹ em luôn sử dụng phương pháp ấp trứng thủ công. Vì thế tỉ lệ nở rất thấp, trường hợp có trứng nở thì gà (vịt) con rất dễ bị dị tật. Từ đó, em đặt vấn đề, tại sao không tạo ra một sản phẩm máy ấp trứng tự động để gia tăng tỉ lệ trứng nở, tăng kinh tế cho gia đình” - Tiếng chia sẻ.
Vấn đề quan trọng nhất của máy ấp trứng mà Tiếng chia sẻ, đó là cung cấp một môi trường tối ưu để có thể nở được trứng có tỉ lệ cao nhất. Tiếng đã áp dụng cả phương pháp nghiên cứu lý thuyết kết hợp với nghiên cứu thực nghiệm nhằm xác định các thông số lý tưởng nhất có thể cho từng loại trứng gia cầm như nhiệt độ, độ ẩm, tốc độ và tần suất đảo trứng...
Đặc biệt, Tiếng đã tạo ra hệ thống tự động hóa cho chiếc máy ấp trứng của mình bằng việc sử dụng bộ vi điều khiển Arduino nhằm điều khiển các bộ phận của chiếc máy bằng công nghệ IoT (Internet of Things).
“Người sử dụng dù ở bất cứ đâu miễn có điện thoại di động là hoàn toàn điều khiển được máy ấp trứng. Đây là điểm khác biệt của chiếc máy ấp trứng tự động so với các sản phẩm trên thị trường. Mặt khác, sản phẩm của em có giá thành chỉ bằng phân nửa (khoảng 4 triệu đồng) so với các máy khác trên thị trường” - Tiếng tự tin.
Tỉ lệ nở trứng lên đến 90%
Máy ấp trứng do Tiếng thiết kế có thể ấp một lúc 300 trứng, với chu kỳ khoảng 21 ngày, trứng sẽ nở. Chiếc máy gồm mộ bộ tạo nhiệt sử dụng đèn hồng ngoại chuyên dùng, tỏa ra nguồn nhiệt cho việc ấp trứng. Ánh sáng phát ra từ đèn không làm tổn thương tới mắt của gia cầm sau khi nở.
Tiếp theo là bộ tạo độ ẩm nhằm tạo ẩm bằng cách phun sương sử dụng sóng siêu âm, cùng hệ thống cung cấp nước tự động cho bộ tạo độ ẩm. Cơ cấu lắc đảo trứng tạo góc lắc cho trứng tránh cho phôi khỏi dính vào vỏ, giúp cải thiện quá trình trao đổi chất và giúp phôi phát triển tốt nhất.
“Chính những yếu tố này sẽ cung cấp điều kiện tốt nhất trong từng giai đoạn phát triển của trứng bởi các yếu tố trên đã được cài đặt tự động trên máy ấp. Ngoài ra, hệ thống đèn diệt khuẩn (UV) sử dụng tia cực tím để tiêu diệt hoặc làm ngưng hoạt động của các vi sinh vật, giúp diệt khuẩn, làm sạch trứng lẫn máy ấp trứng” - Tiếng chia sẻ.
Sau nhiều lần thử nghiệm tại trang trại của gia đình mình, chiếc máy ấp trứng của Tiếng cho tỉ lệ nở trứng thành công lên đến 90%. Tiếng đã chuyển giao sản phẩm này cho một số trại nuôi gia cầm lân cận để họ sử dụng.
Chàng trai này cho rằng, “Việc ứng dụng khoa học và công nghệ vào phát triển kinh tế là một công cụ hữu hiệu để hỗ trợ người dân trong việc giải quyết các vấn đề khó khăn tại địa phương. Kinh tế địa phương bền vững thì chắc chắn sẽ mang lại những kết quả tích cực, góp phần thúc đẩy đất nước đi lên. Bởi mỗi địa phương vững mạnh thì đất nước mới vững mạnh, phát triển".
Th.s Nguyễn Quốc Bảo - Giảng viên khoa kỹ thuật công nghệ, ĐH Phạm Văn Đồng (Quảng Ngãi) đánh giá cao sản phẩm máy ấp trứng tự động của Tiếng. Sản phẩm này có triển vọng để giải quyết kinh tế của địa phương, giúp người dân nâng cao thu nhập.
“Tiếng có thể tiếp tục nghiên cứu, tôi ưu hóa sản phẩm để có thể phát triển thành doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực tự động hóa sau này” - Ths. Bảo cho biết.
Trong thời gian tới, Tiếng sẽ bổ sung thiết bị phát hiện trứng nở, trứng hỏng báo về máy chủ để người sử dụng nắm thông tin, đồng thờiy áp dụng mạnh mẽ công nghệ IoT để hoàn thiện sản phẩm của mình.