Lycopen là hoạt chất chống ôxy hóa, hỗ trợ bảo vệ gan khỏi các gốc tự do có hại, được các nhà sản xuất trên thế giới chiết xuất chủ yếu từ cà chua. Ở Việt Nam, ngoài cà chua, gấc là loại quả có hàm lượng lycopen cao.
Theo nghiên cứu của Đại học California, hàm lượng lycopene trong gấc cao gấp 70 lần hàm lượng lycopene trong cà chua (lượng lycopen trong cà chua nhiều hay ít còn phụ thuộc vào giống cây) và cao hơn nhiều so với các loại rau quả khác như dưa hấu, đu đủ, ổi đỏ, bưởi đỏ, dâu tây... Các nhà khoa học Mỹ cùng một số hãng dược phẩm lớn ví gấc là loại quả đến từ "thiên đường".
Lycopen trong gấc hỗ trợ loại bỏ các gốc tự do, góp phần bảo vệ gan trước các tác nhân ôxy hóa dẫn đến tổn thương tế bào gan, suy giảm chức năng gan, viêm gan.... Hoạt chất này là thành phần quan trọng trong nhiều loại thực phẩm bổ sung cho sức khỏe nói chung và gan nói riêng.
Theo trang Fox News, gấc và những sản phẩm dầu gấc còn giàu beta-caroten (tiền chất của vitamin A) có lợi cho đôi mắt, có thể tăng sức đề kháng, cải thiện hệ miễn dịch cho cơ thể. Các chất chống ôxy hóa khác nhau trong loại quả này còn có khả năng tăng cường sức khỏe tim mạch bằng cách chống xơ vữa động mạch hoặc xơ cứng động mạch.
Tuy nhiên, chiết xuất lycopen hiện chủ yếu vẫn từ quả cà chua. Bởi gấc lại là loại cây phổ biến ở Đông Nam Á, còn cà chua, tuy chứa lượng lycopen ít hơn nhưng có thể trồng ở các vùng khí hậu khác nhau, có mặt ở nhiều nước trên thế giới.
Việt Nam trồng được nhiều gấc và đây là ưu thế cho các nhà sản xuất chiết xuất, phát triển sản phẩm từ gấc để bảo vệ sức khỏe. Theo Globocan 2018, Việt Nam hiện xếp trong nhóm những nước mắc ung thư gan cao nhất thế giới. Tỷ lệ mắc bệnh là 23,2 trên 100.000 người ở cả hai giới. Các chuyên gia nhận định, việc phát hiện hoạt chất lycopen trong gấc có thể góp phần hỗ trợ điều trị tình trạng bệnh gan đang gia tăng.
Lycopen và beta-caroten có nhiều trong gấc nhưng dễ bị ôxy hóa và giảm hàm lượng bởi các tác nhân từ môi trường như ánh sáng, nhiệt độ, các tác nhân gây ôxy hóa khác. Ví dụ, gấc được dùng để làm xôi, quá trình xử lý nhiệt làm mất đi phần lớn các tinh chất từ gấc. Để có thể giữ hoạt chất có lợi trong gấc cần có công nghệ tiên tiến, đảm bảo hạn chế tối đa việc suy giảm hàm lượng lycopen, beta-caroten...