Đồng chí Quách Minh Thế, Phó Trưởng Phòng Quản lý thu BHXH TP.HCM đã phổ biến cho sinh viên Đại học Tài chính Marketing những điều cần biết về BHYT học sinh, sinh viên năm học 2018-2019.
Trong đó, về đối tượng tham gia BHYT là HSSV, ngoại trừ những em đã tham gia BHYT các nhóm đối tượng khác theo quy định của luật BHYT đang học tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.
Đối với mức đóng thẻ BHYT theo quy định là bằng 4,5% mức lương cơ sở ( từ 1/7/2018 là 1.390.000 đồng) nhân với số tháng tương ứng: trong đó nhà nước hỗ trợ 30% mức đóng; học sinh sinh viên đóng 70% và tham gia bắt buộc tại nơi HSSV đang theo học. HSSV có thể đóng cả năm học 12 tháng hoặc 3 tháng; 6 tháng; 9 tháng.
HSSV có thẻ BHYT thuộc nhóm đối tượng khác (thân nhân sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sỹ, thân nhân công an an nhân dân, nghèo, cận nghèo..) nếu hết giá trị sử dụng ghi trên thẻ và không tiếp tục tham gia theo nhóm đối tượng này thì tham gia BHYT theo nhóm HSSV ngay từ tháng tiếp theo, đến hết thời hạn chung của nhà trường.
Về thời hạn sử dụng thẻ BHYT được ghi trên thẻ BHYT từ ngày 1/01/2019 hoặc từ ngày hết hạn của thẻ BHYT được cấp trong năm học trước và tiếp tục có giá trị sử dụng (3 tháng, 6 tháng, 9 tháng, 12 tháng hoặc 15 tháng) mà HSSV lựa chọn số tháng đóng.
Về đăng ký khám bệnh, chữa bệnh BHYT, HSSV được quyền đăng ký khám, chữa bệnh BHYT ban đầu tại các bệnh viện đa khoa khu vực; các bệnh viện quận, huyện; các phòng khám đa khoa tư nhân; các trạm y tế xã, phường và các bệnh viện tuyến tỉnh theo hướng dẫn của cơ quan BHXH. Ngoài ra, được thay đổi cơ sở đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu vào đầu mỗi quý; liên hệ với BHXH nơi phát hành thẻ BHYT để được thực hiện.
Về thủ tục khám bệnh, chữa bệnh BHYT: HSSV phải xuất trình thẻ BHYT cùng giấy tờ tùy thân có ảnh (gồm thẻ HSSV có ảnh CMND, căn cước công dân); Trường hợp cấp cứu, được khám, chữa bệnh tại bất kỳ cơ sở khám, chữa bệnh nào và phải xuất trình thẻ BHYT cùng với giấy tờ tùy thân có ảnh trước khi ra viện; trường hợp chuyển tuyến điều trị, phải có hồ sơ chuyển viện của cơ sở khám, chữa bệnh. Trường hợp khám lại theo yêu cầu điều trị, phải có giấy hẹn khám lại của cơ sở khám, chữa bệnh.
Ngoài ra, mức hưởng BHYT khi đi khám, chữa bệnh đúng quy định thì được thanh toán như sau: 100% chi phí khám chữa bệnh nếu chi phí khám, chữa bệnh thấp hơn 15% mức lương cơ sở (từ 01/7/2018 là: 208.500 đồng) hoặc khám bệnh, chữa bệnh tại tuyến xã; 100% chi phí khám, chữa bệnh khi người bệnh có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tực trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám, chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở (từ ngày 01/7/2018 là 8.340.000 đồng); 80% chi phí khám, chữa bệnh đúng quy định hoặc tại bệnh viện tuyến quận/huyện trong phạm vi cả nước.
Trường hợp người có thẻ BHYT tự đi khám, chữa bệnh không đúng tuyến được quỹ BHYT thanh toán theo mức hưởng (hộ gia đình mức hưởng là 80%); Tại bệnh viện tuyến trung ương là 40% chi phí điều trị nội trú; Tại bệnh viện tuyến huyện là 100% chi phí phám chữa bệnh (nội trú và ngoại trú); Các thẻ đăng ký KCB ban đầu tại trạm y tế phường xã, phòng khám đa khao, bệnh viện quận/huyện được hưởng 100% chi phí khám chữa bệnh khi đi khám tại các trạm y tế phường/xã, phòng khám đa khoa, bệnh viện tuyến quận/huyện trên địa bàn thành phố.
Các trường hợp không được thanh toán khi tham gia BHYT của nhóm đối tượng học sinh, sinh viên đó là: Vi phạm pháp luật (đánh nhau dẫn đến gây thương tích, sử dụng rượu, bia quá mức độ cồn vượt quá quy định sẽ không được thanh toán hay sử dụng các loại kích thích dẫn đến thương tích cũng sẽ không được thanh toán) và những điều trị mang tính thẩm mỹ (ví dụ: làm tay giả, mắt giả, răng giả sẽ không được thanh toán hay đối phụ nữ điều trị vô sinh, thụ thai nhân tạo)./.
Thu Hiền