Trong thời gian qua Đảng ủy, chính quyền địa phương, các ban ngành đoàn thể xã Phước Thuận đang tích cực tuyên truyền vận động nhân dân tham gia BHYT, BHXH phấn đấu trong quý 3/2018 xã Xuân Lập sẽ hoàn thành và vượt chỉ tiêu BHYT huyện giao trong năm 2018 từ 86% trở lên tỷ lệ người dân trong toàn xã có thẻ BHYT. Để đạt chỉ tiêu trên công tác tuyên truyền để mỗi người dân hiểu rõ về chính sách, quyền lợi của mình khi tham gia BHYT.
Bảo hiểm y tế là chính sách đảm bảo an sinh xã hội, với việc hình thành quỹ bảo hiểm y tế độc lập với ngân sách nhà nước do người tham gia bảo hiểm y tế, người sử dụng lao động, quỹ bảo hiểm xã hội và ngân sách nhà nước đóng và hỗ trợ mức đóng, đồng thời từ các nguồn hỗ trợ khác đã tạo ra nguồn tài chính quan trọng, ổn định để đảm bảo công tác khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận dịch vụ y tế. Nếu không có thẻ bảo hiểm y tế thì mọi chi phí khám chữa bệnh người bệnh hoặc người nhà của người bệnh phải tự trả. Điều này đã được Tổ chức y tế thế giới khuyến cáo "chí phí y tế đối với người mắc bệnh hiểm nghèo, những gia đình không có điều kiện kinh tế là những chi phí hiểm hoạ" và nó có thể khiến cho người dân có điều kiện kinh tế bình thường, thậm chí người dân có điều kiện kinh tế khá giả trở thành người nghèo sau một vài lần điều trị bệnh".
Từ ngày 01/7/2017, kinh phí tham gia Bảo hiểm tăng và chi phí khám chữa bệnh tăng gấp 4 lần so với hiện nay. Vì vậy, bà con nhân dân vì quyền lợi của bản thân và gia đình hãy tích cực tham gia BHYT.
Sau đây là những điều cần biết về BHYT hộ gia đình:
1. Đối tượng tham gia BHYT theo hộ gia đình:Là công dân Việt Nam, hiện đang sinh sống tại Việt Nam gồm: Toàn bộ những người có tên trong sổ hộ khẩu hoặc sổ hộ khẩu tạm trú, trừ những ngườiđã được cấp thẻ BHYT ở các nhóm đối tượng khác và người đã khai báo tạm vắng với chính quyền địa phương.
2. Quy định tham gia BHYT theo hộ gia đình:
Từ ngày 01/7/2017 trở đi: Toàn bộ những người có tên trong sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú thuộc đối tượng tham gia phải thực hiện BHYT theo hộ gia đình.
3. Mức đóng, phương thức đóngBHYT, hồ sơ và trách nhiệm lập hồ sơ khi tham gia BHYT theo hộ gia đình:
a) Mức đóng BHYT:
Bằng 4,5% mức lương cơ sở tại thời điểm đóng nhân vớisố tháng đóng BHYT. Khi tham gia theo hộ gia đình thì từ người thứ hai trở lên tham gia, mức đóng của các thành viên được giảm trừ như sau:
- Người thứ nhất đóng bằng mức quy định: bằng 4,5% mức lương cơ sở;
- Từ người thứ 2 đóng bằng 70% người thứ nhất
- Người thứ 3 đóng bằng 60% mức đóng người thứ nhất
- Người thứ tư đóng bằng 50% mức đóng của người thứ nhất
- Từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất
b) Phương thức đóng BHYT:
Đóng 3 tháng, 6 tháng hoặc 12 tháng một lần.
4.Hạn sử dụng của thẻ BHYT khi tham gia BHYT theo hộ gia đình:
Người bắt đầu tham gia BHYT từ ngày 01/01/2015 trở đi, hoặc tham gia không liên tục thì thẻ BHYT có giá trị sử dụng sau 30 ngày, kể từ ngày đóng BHYT. Người tham gia liên tục kể từ lần thứ hai trở đi thì thẻ BHYT có giá trị sử dụng nối tiếpvới ngày hết hạn sử dụng của thẻ lần trước.
Bên cạnh những lợi ích thiết thực mà người tham gia BHYT theo hộ gia đình có thể được nhận, tham gia BHYT theo hộ gia đình đồng thời thể hiện trách nhiệm của mỗi cá nhân và gia đình đối với xã hội, bảo đảm tính nhân văn, tương trợ cộng đồng, nguyên tắc chia sẻ rủi ro ngay từ trong gia đình. Trước khi Luật Sửa đổi, bổ sung Luật BHYT có hiệu lực, BHYT tự nguyện vẫn còn được triển khai, hiện tượng “lựa chọn ngược” diễn ra khá phổ biến, nhiều người dân khi có nhu cầu sử dụng đến dịch vụ y tế mới mua thẻ BHYT, hay các gia đình thường chỉ mua thẻ BHYT cho những thành viên có nguy cơ ốm đau, bệnh tật cao nhất. Điều này một mặt đã làm “méo mó” bản chất nhân văn vốn có trong BHYT cũng như không phù hợp với mục đích tạo nên một kênh tích lũy cho sức khỏe (khi khỏe mua BHYT để dành cho lúc ốm đau, bệnh tật, người khỏe mạnh chia sẻ với người ốm yếu hơn) của chính sách BHYT. Mặt khác, đó chính là một trong những nguyên nhân làm tăng thêm gánh nặng cho Quỹ BHYT, gây khó khăn cho việc cân đối tài chính, đảm bảo thu – chi. Do vậy, quy định nghĩa vụ tham gia BHYT đối với toàn bộ thành viên hộ gia đình sẽ là một đảm bảo pháp lý để mỗi người dân, mỗi hộ gia đình xác định được động cơ đúng đắn hơn khi tham gia BHYT, thực hiện trách nhiệm đối với cộng đồng xã hội, mà trước hết là trách nhiệm với chính những người thân trong cùng một hộ gia đình.
Tham gia BHYT theo hộ gia đình là nghĩa vụ, nhưng điều này mang lại rất nhiều quyền lợi cho người dân theo quy định của pháp luật. Hơn thế nữa, tham gia BHYT nói chung, tham gia theo nhóm hộ gia đình nói riêng thể hiện tinh thần tương thân tương ái tốt đẹp giữa các thành viên xã hội. Nói theo cách của nhà báo Thu Hương của Báo Quân đội nhân dân, “Tham gia BHYT hộ gia đình vừa là trách nhiệm vừa là cơ hội được chia sẻ với cộng đồng”. Với nhận thức đầy đủ về tính tất yếu, tầm quan trọng của BHYT nói chung, ý nghĩa của BHYT hộ gia đình nói riêng của người dân, cùng với sự vào cuộc mạnh mẽ của toàn bộ hệ thống chính trị, việc đa dạng hóa, linh hoạt hóa công tác tuyên truyền, triển khai trong thực tiễn, tin rằng BHYT theo hộ gia đình sẽ sớm đạt được những thành tựu to lớn, đáp ứng mục tiêu tiến tới BHYT toàn dân.