|
Trẻ điều trị bệnh tại khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi đồng 1. Ảnh: T.P
|
Theo bác sĩ Tuấn, các công trình nghiên cứu chứng minh cho trẻ bú mẹ hoàn toàn ít nhất là 4 tháng, tốt nhất là 6 tháng đầu sau sinh giúp giảm 25% nguy cơ viêm phổi. Thay thế bếp nấu than củi bằng nhiên liệu sạch cũng giảm 50% nguy cơ. Trẻ được chủng ngừa phế cầu và Hib hạn chế một nửa khả năng mắc bệnh. Cách phòng bệnh đơn giản và hiệu quả là cần thường xuyên rửa tay.
Thời tiết chuyển lạnh là môi trường lý tưởng cho các bệnh đường hô hấp ở trẻ, thường gặp là cảm lạnh, cúm, chuyên biệt hơn có virus hợp bào hô hấp RSV. Loại virus này lây lan như cúm, nếu tấn công người lớn chỉ gây cảm ho thông thường, còn trẻ dưới 2 tuổi bệnh thì 90% có biểu hiện viêm tiểu phế quản. Đây là nguyên nhân nhập viện hàng đầu ở trẻ dưới 2 tuổi. Trẻ càng nhỏ thì bệnh càng nặng, nhiều bé phải thở oxy. Những trẻ có bệnh nền như tim bẩm sinh, suy dinh dưỡng, suy giảm miễn dịch, trẻ sinh non... bị viêm tiểu phế quản thì mức độ nặng tăng gấp 10 lần trẻ bình thường.
Bác sĩ Tuấn khuyến cáo, trẻ bệnh suyễn mùa này thường có nguy cơ lên cơn. Thay đổi thời tiết kích thích trực tiếp đường thở khiến trẻ lên cơn. Trẻ hen suyễn nếu nhiễm khuẩn hô hấp, cảm ho thông thường cũng dễ lên cơn thường xuyên. Phụ huynh cần thực hiện chủng ngừa cúm, khuẩn phế cầu cho trẻ. Không nên tự ý ngưng thuốc, giảm liều trong thời gian này. Nếu dự định đi du lịch, chơi Tết đến vùng lạnh cần đi khám bác sĩ để đánh giá bé được kiểm soát tốt, tư vấn phương pháp phòng ngừa, cách xử trí khi lên cơn, tìm hiểu cơ sở y tế ở nơi đến.
Phụ huynh cần cho trẻ ăn uống nghỉ ngơi hợp lý, chích ngừa đầy đủ, uống vitamin A theo khuyến cáo.
Lê Phương