Thứ Bảy, 23/11/2024 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Bệnh cháy lá lúa và biện pháp phòng trị |
05/12/2018 |
|
Vụ hè thu năm nay, bệnh còn gây bất ngờ lớn cho nhiều nông dân tại một số huyện thuộc thành phố Cần Thơ, cũng như tại một số tỉnh thành lân cận về mức độ gây thiệt hại nặng trên đồng lúa, cũng như sự tiến triển của bệnh quá nhanh khi kết hợp với bệnh vàng lá do vi khuẩn, trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, lúa bị ngộ độc gây khó khăn rất lớn cho nông dân trong việc chủ động biện pháp phòng trị bệnh.
Bệnh cháy lá có khả năng gây hại nặng cho cây lúa ở tất cả các giai đoạn sinh trưởng của cây lúa từ giai đoạn mạ cho đến khi lúa chín. Ngoài ra, mầm bệnh còn có thể tấn công tất cả các bộ phận của cây lúa trên mặt đất như: lá, cổ lá, đốt thân, cổ bông và hạt. Thông thường người ta dựa vào bộ phân cây lúa bị mầm bệnh tấn công để goi tên cho bệnh; chẳn hạn khi mầm bệnh tấn công trên lá và biểu hiện ra triệu chứng trên lá thì gọi là bệnh đạo ôn lá hay bệnh cháy lá, còn nếu mầm bệnh tấn công ở cổ bông và biểu biện triệu chứng ở cổ bông thì gọi là đạo ôn cổ bông,... Bệnh đạo ôn có thể xảy ra quanh năm và thường gây hại nặng vào vụ Đông Xuân hàng năm. Bệnh hình thành phát triển mạnh trong điều kiện khí hậu mát mẻ, sự chênh lệch của nhiệt độ ngày và đêm cao; trong ngày trời nắng, mưa xen kẽ, có nhiều sương mù; ruộng sạ dày, trồng giống nhiễm, bón phân thừa đạm, ruộng khô,... Bệnh có thể lây lan rất nhanh, do mầm bệnh (bào tử nấm) rất nhỏ nên có thể phát tán rất xa (khoảng 10 cây số) và trên diện rộng nhờ gió. Ngoài ra, mầm bệnh cháy lá lưu tồn và gây hại cho cây lúa qua các vụ canh tác trên ruộng thông qua các ký chủ là rơm rạ, lúa chét, lúa rài kể cả các loại cỏ dại mọc ven ruộng như cỏ lồng vực, cỏ đuôi phụng, cỏ chỉ…
Triệu chứng bệnh đầu tiên thể hiện trên lá là những vết màu nâu nhỏ như đầu mũi kim, sau lan dần tạo thành những vết bệnh có hình như con mắt hình thoi (mắt én), phần giữa vết bệnh có tâm màu xám trắng, rìa có màu nâu. Nếu quan sát vết bệnh vào sáng sớm, lúc trời còn sương mù, vết bệnh có dạng như bị thấm nước và có màu xám nâu, hoặc xám xanh, đây là vết bệnh đang phát triển và đang sinh thêm mầm bệnh (bào tử). Trên các vết xám xanh có nhiều đốm nhỏ, đó là các cụm mang bào tử của nấm bệnh (PGS.TS. Phạm Văn Kim). Trên giống nhiễm các vết bệnh liên kết lại với nhau tạo thành các vệt cháy lớn trên lá và làm cháy khô một phần hoặc cả lá, bệnh nặng có thể làm chết cả bụi lúa. Trên cổ lá, vết bệnh lúc đầu cũng có màu xám xanh sau chuyển sang nâu sau đó cả lá đều bị cháy khô. Trên cổ bông, triệu chứng bệnh ban đầu cũng là các vết nâu xám hoặc nâu đen lớn dần và làm cho bông lúa bị lép trắng hoặc các bông lúa bị gãy cổ. Đối với hạt, nếu bị mầm bệnh tấn công hạt sẽ bị lem lép hoặc lửng. Những chân ruộng bị bệnh nặng có thể làm tổn thất năng suất từ 20% - 50%, thậm chí mất trăng. Một số nơi phải trục sạ lại do bệnh quá nặng, cả ruộng lúa bị cháy khô, dù lúa đã sạ được 35 -40 ngày trong vụ hè thu này.
2. Biện pháp phòng trị:
Bệnh đạo ôn (cháy lá) là một trong những bệnh hại quan trọng nhất trên cây lúa hiện nay, do bệnh xuất hiện quanh năm, khả năng lây lan nhanh, tính bộc phát mạnh và gây thiệt hại nghiêm trọng cho đồng lúa khi gặp điều kiện thuận lợi. Vì vậy, để hạn chế sự phát sinh và tác hại của bệnh gây ra cho ruộng lúa chúng ta cần áp dụng đồng bộ một số biện pháp sau:
a. Biện pháp canh tác
- Sau khi thu hoạch lúa, nên rải rơm đốt đồng trước khi làm đất đối với ruộng ở vụ vừa rồi đã bị bệnh nặng hay vùng thường xuyên xuất hiện bệnh hại.
- Cày ải phơi đất, vệ sinh đồng ruộng, phun thuốc diệt sạch cỏ bờ, lúa chét để cắt đứt nguồn lưu tồn mầm bệnh…
- Nên sử dụng giống kháng và cấp giống cần theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp địa phương.
- Xử lý hạt giống trước khi ngâm ủ trong nước ấm 540C trong 10 phút, hoặc dung dịch nước muối (NaCl) 15%, hoặc một số loại thuốc BVTV (ROVRAL 50WP, WORKUP 9SL, VICARBEN 50HP, VIXAZOL 275SC, VIRAM PLUS 500SC,…) thích hợp trước khi gieo sạ, với liều lượng theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp địa phương hay nhà sản xuất.
- Nên sạ thưa hoặc sạ lúa theo hàng với mật độ vừa phải (10 – 15kg/1.000m2) cùng với chế độ bón phân cân đối giữa đạm-lân-kali (không bón thừa đạm).
- Thăm đồng thường xuyên nhằm phát hiện bệnh sớm để phòng trị kịp thời.
- Không để trong ruộng bị khô nước vì bệnh có thể bộc phát mạnh ở điều kiện ruộng bị khô.
- Khi ruộng bị bệnh cần giữ đủ nước, đồng thời ngưng bón phân cũng như phun phân bón qua lá, cần tiến hành phun ngay các loại thuốc đặc trị.
- Nên luân canh cây trồng, vật nuôi qua các vụ trong năm, có thể trồng cây trồng cạn hoặc nuôi cá vụ hè thu để cắt đứt nguồn bệnh lây lan có thể phát triển thành dịch.
♦ Ngoài ra, chúng ta có thể sử dụng chất kích kháng SAR3 để hạn chế bệnh đạo ôn theo hướng dẫn sau: Trước khi ngâm ủ, nên gạn lúa giống trong nước muối 15% (thời gian gạn lúa càng nhanh càng tốt) để loại bỏ các hạt lép lửng dễ mang nhiều mầm bệnh. Tiếp theo, lúa giống được rửa sạch nước muối rồi pha 10cc chất kích kháng SAR3 trong 10 lít nước để ngâm 20kg hạt giống trong thời gian 24 giờ, sau đó vớt ra đem ngâm ủ bình thường cho đến khi mọc mộng thì đem gieo. Tiếp theo, sau khi lúa đã gieo sạ được khoảng 25-30 ngày chúng ta phun SAR3 lần 2, pha 10cc SAR3 trong bình 16 lít phun cho 1 công (1.000m2). Nếu có điều kiện, phun thêm 1 lần kích kháng trước khi cây lúa trỗ bông để hạn chế bệnh đạo ôn cổ bông gây hại.
b. Phòng trừ bằng thuốc hóa học
Khi lúa bị bệnh chúng ta có thể sử dụng một trong số các loại thuốc sau với liều lượng theo khuyến cáo của nhà sản xuất hoặc cán bộ ngành nông nghiệp địa phương để phòng trị như:
+ Nhóm hoạt chất Polyphenol nguồn gốc tự nhiên (sinh học): Chubeca 1.8SL,
+ Nhóm hoạt chất Tricyclazole: Beam, Filia, Blascide, …
+ Nhóm hoạt chất Isoprothiolane: Fuan, Fuji-one, …
+ Nhóm hoạt chất f-thalide: Rabcide,
+ Hoặc các loại thuốc hỗn hợp 2 hoặc 3 nhóm trên có tên thương phẩm: Bump 650WP; Kabim 30EC; FILIA-525EC, Bankan 600WP... vừa phòng vừa trị rất tốt, hiệu lực kéo dài 10 - 20 ngày sau khi phun thuốc
Lưu ý: Cần tiến hành phun thuốc ngay khi bệnh mới xuất hiện để đạt hiệu quả cao. Khi phun nên dùng bình bơm có “béc” tia nhỏ để phun (nên sử dụng cần phun 1 béc nếu phun tay), cần hạ thấp cần phun để thuốc tiếp xúc nhiều với lá và bám dính tốt. Nên phun thuốc vào trời mát, khô ráo, khi phun thuốc phải tuân thủ theo nguyên tắc "4 đúng": đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng lúc và đúng cách.
Phạm Văn Út
|
|
|
|
|
|
|
|
  |
|
Bộ Khoa học và Công nghệ
Cổng thông tin điện tử Chính Phủ
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Kênh truyền hình nông nghiệp - nông thôn
Thông tin tư vấn
Bảng giá nông sản
|
|