-
Rầy nâu (Nilaparvata lugens):
- Rầy trưởng thành có màu nâu tối, phiến mai màu nâu chè đến nâu đen, thân dài 3,8 - 4,8 mm, con đực nhỏ hơn con cái. Có 2 dạng rầy trưởng thành: loại cánh dài và loại cánh ngắn. Rầy cánh ngắn: cánh phủ 2/3 thân. Rầy cánh dài: cánh phủ toàn thân.
- Trứng: Trong suốt, đẻ ở bẹ, gân lá, ổ giống nải chuối.
- Rầy non: rất linh hoạt, mới nở có màu xám trắng, tuổi 2-3 trở lên có màu nâu vàng, trong điều kiện mật độ cao có màu nâu sẫm. Rầy non có 5 tuổi. Sau 2 lần lột xác (tuổi 3) bắt đầu có màu nâu và mọc cánh.
Cả rầy non và rầy trưởng thành đều chích hút nhựa trong cây lúa để sống, có thể làm giảm năng suất hoặc làm cho cây lúa vàng và chết hoàn toàn gọi là “cháy rầy”. Rầy nâu gây hại chủ yếu giai đoạn lúa làm đòng - chín. Ngoài ra, vết chích hút và nơi đẻ trứng của rầy sẽ tạo điều kiện cho nấm bệnh xâm nhập; Rầy nâu là môi giới truyền bệnh “lùn xoắn lá” và “bệnh vàng lùn”.
-
Rầy lưng trắng (Sogatella furcifera):
- Rầy trưởng thành có màu đen nâu với một vệt màu trắng hoặc vàng nhạt chạy từ đỉnh đầu đến mảnh lưng ngực và một chấm đen trên mép cánh. dọc hai cánh mép ngoài có 2 sọc trắng. Khi rầy đậu cánh xếp trên lưng nên nhìn như có một chấm đen trên lưng.
- Con cái có hai dạng: cánh dài và cánh ngắn; con đực thường chỉ có dạng cánh dài, dạng cánh ngắn rất ít gặp. Thân dài 3,4 - 4,6 mm. Mặt hoàn toàn màu nâu tối, trên trán có 3 đường gờ màu vàng hoặc vàng nhạt chạy song song.
- Trứng rầy lưng trắng có dạng ”quả chuối tiêu” như trứng rầy nâu nhưng nhỏ, dài và nhọn hơn. Trứng được đẻ thành từng ổ theo chiều dọc, chìm trong bẹ hoặc gân chính của lá, mỗi ổ từ 2-7 quả. Trứng mới đẻ trong suốt, sau chuyển màu vàng, sắp nở có hai điểm mắt đỏ.
- Rầy non mới nở có màu trắng đục, đến tuổi 3 xuất hiện các vệt vằn trên lưng.
Cả rầy non và rầy trưởng thành đều chích hút nhựa trong cây lúa để sống. Rầy lưng trắng gây hại trên lúa ngay từ đầu vụ, chủ yếu trong giai đoạn lúa đẻ nhánh - làm đòng. Ngoài tác hại trực tiếp là chích hút nhựa cây lúa, rầy lưng trắng còn là môi giới truyền virus gây bệnh lùn sọc đen phương Nam.
-
Rầy nâu nhỏ (Laodelphax striatellus)
- Cả rầy non và rầy trưởng thành đều có hình dáng tương tự như rầy nâu nhưng con trưởng thành cánh ngắn mình thon nhỏ hơn rầy nâu và rầy lưng trắng. Đầu vàng nhạt, một số cá thể có mắt kép màu đỏ. Ngực khớp nối với cánh màu đen (con đực), màu vàng nhạt ở giữa, màu đen dọc theo mép sau (con cái). Có vân đen giữa cánh về phía cuối cơ thể.
- Thân dài 2,6 - 4,1mm. Rầy tuổi 1,2 có màu nâu đậm hơn rầy nâu, con trưởng thành có màu nâu xám, chúng đều có khả năng nhảy rất nhanh.
- Mặt có đường sống giữa màu trắng, đốt thứ nhất râu đầu màu vàng nhạt.
- Trứng của rầy nâu nhỏ bước đầu xác định đẻ trên gân lá, khác với rầy nâu đẻ trứng ở trong bẹ lá. Triệu chứng gây hại chỉ thấy rầy non và trưởng thành chích hút nhựa ở trên bông lúa, lúa chét và hạt lúa, không thấy triệu chứng gây hại trên thân; trên lá lúa có rải rác vết thâm kéo dài, nơi có mật độ cao thì trên lá xuất hiện lớp muội đen nhưng hầu như cả thân và lá lúa vẫn xanh tươi.
Cả rầy non và rầy trưởng thành đều chích hút nhựa trong cây lúa để sống. Rầy nâu nhỏ thường tập trung gây hại trên bông lúa, gây hại chủ yếu ở giai đoạn trỗ - chín. Ngoài tác hại trực tiếp chích hút gây lép, lửng cho lúa, rầy nâu nhỏ còn truyền vi rút gây bệnh cho cây như: Bệnh đốm sọc virus, bệnh lùn sọc đen virus (trên lúa), bệnh lùn nhám virus (trên ngô),...
Bùi Thị Khanh (Chi cục Trồng trọt & BVTV)