Trong thời gian gần đây KS Nguyễn Côi và các cộng sự đã nghiên cứu và đưa dây dưa hấu bò dưới đất lên giàn. Phương pháp này có nhiều ưu thế so với trồng theo phương pháp trồng dưới đất.
Giới thiệu hiệu qủa kinh tế của mô hình trồng dưa hấu trên giàn. Hướng dẫn kỹ thuật trồng dưa hấu leo giàn: kỹ thuât làm đất và làm giàn, trồng cây, bón phân chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại dưa hấu.Theo kỹ sư Nguyễn Côi (CTCP BVTV AG) thì trước đây bà con trồng dưa hấu có hạt hoặc không hạt đều cho bò dưới đất. Về sau Trung tâm nghiên cứu và sản xuất giống AG làm mô hình dưa hấu bò lên giàn với mục đích để trái không tiếp xúc với sâu bệnh và nấm bệnh bên trong đất vì khi dây dưa bò dưới đất nấm bệnh sẽ tấn công dây dưa nhiều hơn. Thứ hai trồng dưa hấu trên giàn hàng sẽ gần nhau hơn. Nếu bò dưới đất hàng cách hàng 4.5- 5 m ; bò trên giàn thì hàng cách hàng 1.5m-2m. Như vậy mật độ dưa trên giàn sẽ cao hơn. Trồng dưa hấu bò dưới đất thì mật độ 1000-1100 dây/1000 m2 , dưa bò trên giàn mật độ 2000 – 2500 dây/1000 m2. Mật độ dây gấp đôi thì năng suất có thể gần gấp đôi, xấp xĩ 1.7 – 2 lần dưa bò dưới đất. Do đó hiệu quả kinh tế trên 1000 m2sẽ cao hơn. Đó là lợi ích của mô hình trồng dưa leo giàn. Hiện nay thì đất nông nghiệp ngày càng ít lại và bà con thuê đất trồng dưa thì 1 công đất là 3 triệu đồng/ công. Mô hình này giúp bà con giảm tiền thuê đất và tăng hiệu quả kinh tế.
Phương pháp trồng dưa hấu dưa hấu leo giàn thì cách gieo hạt trong bầu vẫn giống như trồng dưới đất. Nhưng do mật độ trồng tăng gấp đôi nên lượng hạt giống vô bầu cũng phải gấp 2 lần. Đặc biệt liếp trồng sẽ nhỏ và nhiều hơn cách trồng trước đây (bò dưới đất). Khi trồng dưa hấu leo giàn liếp rộng 1m bề ngang, chiều cao 0.2-0.3 mét tùy theo mùa, hàng cách hàng 1.5-2 mét. Cây cách cây 0.35-0.4 mét. Do đó mật số dây sẽ tăng lên.
Sau khi đưa cây con ra đồng vài ngày sau phải tiến hành làm giàn chuẩn bị cho dưa hấu bò lên. Do trái dưa nặng khoảng 3-5 kg nên giàn phải chắc chắn cần phải chọn cây tốt để trồng được nhiều vụ tiết kiệm chi phí.
Trồng dưa hấu leo giàn thì khâu ngâm ủ hạt cũng giống dưa bò dưới đất, cách bầu dưa cũng như vậy. Trồng khoảng 10 ngày thì bắt đầu làm giàn khi trái dưa bắt đầu bỏ bằng thang thì tiến hành làm giàn. Vật liệu là cây tràm cưa ra khoảng 2.5 m làm cột hơi xiên 1 góc 30 độ cắm xuống đất. Mục đích cắm cây tràm hơi nghiêng để dây dưa hấp thụ được nắng, diện tích tiếp xúc dây dưa sẽ nhiều hơn, quang hợp nhiều giúp dây và trái phát triển tốt.
Cây tràm này cách cây tràm kia khoảng 2 mét, chiều cao khoảng 1.5 m thì bắt đầu cột cây tràm dọc theo hàng cây trụ đứng để sau này treo trái. Trên đầu mỗi trụ niềng bằng dây chì, đóng 2 cây cọc căng 2 bên cây tràm để khi gặp gió cây tràm không ngã. Khi làm giàn xong kéo 2 dây gân nhỏ cứ cách 1 tấc là 2 dây gân. Khi dây dưa bắt đầu bò lên cho đọt dưa giữa 2 dây gân mục đích để giử đọt dưa được cứng và thẳng hàng, nếu không cho đọt dưa giữa 2 hàng dây gân thì đọt dưa ngã nghiêng và bò lộn xộn khó quản lý.
Khi dưa được 4-5 lá thật tiến hành bấm đọt để cây cho ra 2 dây chèo. Khi dưa bắt đầu leo giàn nên thường xuyên sửa dây để dây bò đúng hướng. Với dưa leo giàn cũng chọn hoa thụ phấn giống như bò dưới đất khi thấy 70% hoa cái nở. Muốn cho trái thương phẩm to tròn đều nên để mỗi dây 1 trái. Trồng hoa cái ở vị trí thứ 2, thứ 3 hoa có cuống to, dài, bầu noãn to tròn đầy không sâu bệnh.
Sau khi hoa thụ phấn khoảng 10 ngày từ 2 trái nằm ở dây thì tuyển bỏ 1 trái để lại trái tốt nhất. Từ thời điểm này nên tỉa tất cả trái ở dây bơi, dây chèo mọc từ 2 nhánh phụ để cây tập trung dinh dưỡng nuôi trái, dưa thông thoáng ít sâu bệnh.Khi trái khoảng 200- 300 gram thì tiến hành treo, cho trái vào túi dây nilon đan sẵn như lưới treo lên cây tràm nằm ngang cột dài theo cột. Bón phân phía ngoài liếp theo đường mương, vén bạt lên bón cách gốc 10 -25 cm, rãi đều không bón 1 chỗ sẽ hư bộ rễ, lấy sình đắp lên để phân không bị trôi
Đối với dưa leo giàn lượng phân gấp đôi so với dưa hấu bò dưới đất sở dỉ gấp đôi vì mật độ dây dưa hấu gấp đôi. Các giai đoạn bón cũng như dưa hấu bò dưới đất. Lần 1: 15- 20 ngày; NPK(20-20-15) với số lượng 50-60kg.
Lần 2: 30-35; NPK(20-20-15) với số lượng 40-60kg.
Lần 3: 45- 50 ngày; NPK(20-20-15) với số lượng 20 kg.
Phân Kali: với số lượng 6 kg.
Sau giai đoạn 45-50 ngày nếu dưa không tốt chỉ bón thêm 1 kg urea và 3 kg KCL nhưng nếu dưa tốt rồi không bón thêm urea sẽ ảnh hưởng chất lượng trái.
Trồng dưa hấu thông thường có thể tưới phun hay tưới thấm tùy điều kiện tưới tiêu từng vùng. Trồng dưa hấu phủ bạt phải áp dụng tưới thấm bằng cách bơm hoặc tháo nước vào bơm sau đó rút cạn nước trong ngày. Lượng nước tưới và số lần tưới tùy theo điều kiện trồng và giai đoạn tăng trưởng của cây. Khi cây còn nhỏ rễ chưa ăn sâu và rộng nên tưới nhiều lần mỗi ngày và tưới gần gốc. Lúc dưa hấu gần đến ngày thu hoạch phải điều tiết lượng nước để giúp dưa ngọt bảo quản được lâu.
10 ngày và 3 ngày trước thu hoạch xịt 2 lần Sunfat kali để tăng độ đường và màu sắc dưa tốt hơn. Nếu mùa mưa 10-15 ngày trước thu hoạch rút nước khô trong mương để lúc trái bắt đầu chín sẽ không hút nước lên vì nếu tiếp tục hút nước ruột dưa sẽ yếu ngậm nước và hư. Mùa nắng 5- 7 ngày trước thu hoạch rút sạch nước trong mương để nước không hút lên trái bảo đảm chất lượng trái.Cần phun thêm các loại phân vi lượng sắt, đồng, kẽm, mangan, ma nhê để tăng chất lượng của trái và năng suất.
Trong quá trình trồng dưa hấu có thể bị 1 số sâu bệnh gây hại quan trọng chú ý phòng trừ từ vườn ươm đến cho trái: bọ trĩ truyền bệnh khảm cần trộn Cruiser khi bầu đất; bệnh Sương mai, nứt thân xì mũ (bã trầu) phòng ngừa bằng các loại thuốc đặc trị.
Dưa hấu là 1 trong rau quả được trồng để xuất khẩu vì vậy đòi hỏi trái dưa phải đảm bảo an toàn chất lượng thành phẩm. Với kĩ thuật trồng dưa hấu leo giàn áp lực sâu bệnh sẽ giảm, nông dân không dùng nhiều thuốc bảo vệ thực vật – một trong những mối nguy làm ảnh hưởng đến an toàn của sản phẩm.
Đây là biện pháp tối ưu để bà con nông dân trồng sản phẩm sạch theo tiêu chuẩn VietGAP
Nông dân.com