Năm 2000, anh Nguyễn Văn Thái rời quê hương Nam Định theo một người bà con về Long Khánh (Đồng Nai) làm công cho một trang trại trồng nấm mèo. Vừa làm vừa học qui trình sản xuất từ cơ sở, năm 2002, sau khi cưới vợ, gia đình anh chuyển đến xã Tóc Tiên lập nghiệp với nghề trồng nấm và tìm hướng đi cho riêng mình.
Thế nhưng, khởi đầu gặp không ít khó khăn, nguồn vốn hạn hẹp, chưa hiểu điều kiện khí hậu tự nhiên ở nơi ở mới nhưng anh không nản chí, anh quyết định thuê đất, dựng trại trồng nấm.
“Nhờ có thời gian làm ở trang trại nấm, đúc kết được nhiều kinh nghiệm quy trình kỹ thuật, ngoài ra khí hậu, thổ nhưỡng ở đây cũng hợp với sự sinh trưởng, phát triển của nấm nên những lứa nấm đầu tay đã cho tôi có lãi, tích trữ dần, chúng tôi đã có vốn để mua đất, mở trang trại nấm”. Anh Thái chia sẻ.
Khởi đầu bằng việc thuê đất để trồng nấm, đến nay cơ sở của anh Nguyễn Văn Thái đã có được lô đất 10.000m2. Trên diện tích đất này, anh Thái xây dựng 15 nhà trồng nấm. Mỗi nhà có diện tích 300m2, có thể treo đến 300 bịch. Phần diện tích còn lại, anh xây dựng khu nhà sấy, khu chứa mạt cưa và khu vực đóng bịch.
Theo anh Thái, nhà trồng nấm có diện tích 300m2, mái lợp lá hoặc tôn kẽm, xung quanh có lưới lan bao phủ để tạo ánh sáng và độ ẩm, trên mái tôn thiết kế hệ thống máy phun nước làm mát, bên trong thiết kế máy phun sương để giữ độ ẩm. Tất các các thiết bị đều thiết kế tự động. Mùn cưa của cây cao su, hoặc mùn cưa loại gỗ không có tinh dầu, trộn với vôi, đóng bịch, cho vào lò hấp khử trùng ở nhiệt độ 100ºC trong vòng 10-12 tiếng, để nguội mới bắt đầu cấy meo. Sau khi cấy meo, phôi nấm đưa vào nhà trồng và xếp thành hàng. Nhà cấy phôi nấm phải đảm bảo đạt yêu cầu kín gió, luôn giữ nhiệt độ khoảng 27-30 độ, độ ẩm 75-85%, ánh sáng khuếch tán vừa phải.
Chị Nguyễn Thị Hoài, vợ anh Thái, người thường xuyên theo dõi các công đoạn sản xuất cho biết, với 15 nhà trồng nấm, treo khoảng 150.000 bịch, thời gian từ khi cấy meo vào bịt phôi đến lúc thu hoạch lần đầu khoảng 30-35 ngày. Thu hoạch lần sau cách lần đầu khoảng 10-15 ngày. Mỗi đợt trồng kéo dài khoảng 3 tháng, cho thu hoạch từ 5- 7 lần. Với năng suất trung bình 300g nấm thành phẩm/bịch phôi. Hiện tại mỗi tháng cơ sở chị cung cấp ra thị trường khoảng 10 tấn nấm tươi, chủ yếu là thị trường trong tỉnh và vùng lân cận. Mức giá bán ổn định tại cơ sở cho mỗi kg nấm tươi là 23.000 đồng. Sau khi trừ chi phí sản xuất, thu nhập mỗi tháng từ bán nấm bào ngư mang lại lợi nhuận cho gia đình khoảng 100 triệu đồng và tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động với thu nhập 3-4 triệu
Anh Thái chia sẻ kinh nghiệm trồng nấm bào ngư
Theo ông Trương Ngọc Trang, Chủ tịch Hội nông dân xã Tóc Tiên, từ những mô hình trồng nấm cá thể, năm 2015 các cơ sở trồng nấm ở địa phương đã thành lập Tổ hợp tác sản xuất nấm. “Sau 3 năm thành lập, hiện tổ hợp tác trồng nấm tại xã Tóc Tiên có 8 hộ thành viên, hoạt động khá hiệu quả. Anh Thái được các thành viên trong hội bầu làm tổ trưởng. Hiện Hội Nông dân tỉnh đang phối hợp cùng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh hỗ trợ, tạo điều kiện để Tổ hợp tác trồng nấm xã Tóc Tiên hoàn thành hồ sơ thành lập HTX sản xuất nấm, đồng thời phối hợp cùng Tổ chức chứng nhận các tiêu chuẩn quốc tế NHO (TP.Cần Thơ) đánh giá chất lượng để chứng nhận thương hiệu nấm Tân Thành cho các loại nấm trồng tại địa phương”. Ông Trang cho biết.