Phát biểu khai mạc AI4VN Summit 2019, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh cho biết, trong bối cảnh quốc tế có nhiều thay đổi và để nắm bắt xu hướng phát triển nói chung, Bộ KH&CN đã có những tham mưu về phát triển công nghệ, trong đó có AI. Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ xác định công nghệ AI là sự đột phá, mũi nhọn cần được triển khai nghiên cứu. Gần đây, Bộ tiếp tục phê duyệt chương trình khoa học trọng điểm, tập trung hỗ trợ nghiên cứu phát triển công nghệ AI, liên kết các nhà nghiên cứu, đầu tư, doanh nghiệp thúc đẩy, nghiên cứu và ứng dụng AI. Sự kiện AI4VN 2019 là nơi kết nối, tụ hội, chia sẻ và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong các lĩnh vực. Qua sự kiện này, Bộ trưởng kỳ vọng các chuyên gia sẽ kết nối, trao đổi để trí tuệ nhân tạo phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam, thúc đẩy mối liên kết giữa các thành tố trong hệ sinh thái trí tuệ nhân tạo trong nước.
Tại AI4VN Summit 2019, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, Bộ KH&ĐT cũng xác định AI là công nghệ đột phá, mũi nhọn trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 nên cần được thúc đẩy phát triển. Chính phủ đã xây dựng chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp 4.0 với việc ưu tiên phát triển ngành AI thông qua nhiều nhóm chính sách. Trong đó, nguồn nhân lực được ưu tiên như đào tạo AI bậc đại học, hỗ trợ khu doanh nghiệp ứng dụng AI, ưu tiên đầu tư thông qua các quỹ, trung tâm đổi mới sáng tạo. Đây là thời điểm mang tính lịch sử, cần hành động theo tinh thần “bây giờ hoặc không bao giờ”. Trong thời gian tới, Bộ KH&ĐT sẽ mở rộng và phát triển mạng lưới tri thức AI người Việt tại một số quốc gia khác cũng như thành lập quỹ global fund nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đưa tri thức của người Việt ra thế giới.
Phát biểu chỉ đạo tại AI4VN Summit 2019, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định cho rằng AI không còn là câu chuyện khoa học mà là vấn đề kinh tế - xã hội để đưa Việt Nam phát triển. Theo đó, KH&CN nói chung đã phát triển vượt bậc. Thế giới đã thay đổi, minh bạch hơn, vì thế, AI là phải vì con người, phục vụ con người. Nhìn nhận Việt Nam có xuất phát điểm thấp, Phó Thủ tướng cho rằng Việt Nam không có sự lựa chọn nào khác là phải đi nhanh hơn, bền vững hơn. Muốn vượt lên, công nghệ thông tin, khoa học, AI là công cụ mang lại thời cơ lớn, nhưng nếu không tận dụng có thể cơ hội sẽ qua đi. Bản chất của AI vẫn là phát triển một xã hội an toàn, văn minh. Những dự án đang ứng dụng như thành phố thông minh, hỗ trợ di chuyển, kiểm soát an ninh, bảo mật thông tin đều phục vụ một đất nước hùng cường.
Phó Thủ tướng kêu gọi những người trẻ, những doanh nghiệp cùng chung tay vào giải bài toán ngày một lớn hơn của công nghệ trong nước. Dù sao thì chúng ta vẫn đang trong quá trình phát triển, nhưng Việt Nam không có sự lựa chọn nào khác bởi xuất phát điểm thấp. AI là thời cơ lớn phải tận dụng. Với vấn đề dữ liệu lớn, Việt Nam phải chia sẻ nhiều hơn cho cộng đồng, thậm chí là các quốc gia khác. Dữ liệu không nên chỉ đem ra nói trong phòng kín mà cần ở một mặt phẳng chung.
Tại AI4VN Summit 2019, nhiều chuyên gia trong và ngoài nước đã chia sẻ kinh nghiệm về phát triển AI, đáng chú ý là kinh nghiệm của Hàn Quốc, Tiến sĩ Kyoo Sung Noh, Chủ tịch, kiêm Tổng Giám đốc Trung tâm Năng suất Hàn Quốc cho rằng có thể coi AI là tương lai của Việt Nam. Tương tự như Hàn Quốc, nếu tận dụng tốt AI, Việt Nam có thể tiến một bước dài, bỏ qua giai đoạn phát triển mà những cường quốc từng trải qua. Đây cũng chính là cơ hội mà cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại. Tại Hàn Quốc, AI đã thay đổi cơ cấu xã hội, việc làm, ngành nghề và cả con người. Chính phủ Hàn Quốc xây dựng chính sách phát triển AI, trong đó tập trung cho phát triển nguồn nhân lực chất lượng, đủ sức phục vụ phát triển công nghiệp trong nước. Hàn Quốc nghiên cứu và xây dựng cơ sở hạ tầng cho nguồn dữ liệu lớn. AI cũng tác động đến việc thay đổi các công việc tuyển dụng và phân loại chất lượng nhân lực ở Hàn Quốc. Từ kinh nghiệm vận dụng AI tại Hàn Quốc, Tiến sĩ Kyoo Sung Noh đề xuất các ý tưởng hợp tác trong lĩnh vực AI giữa Việt Nam và Hàn Quốc, như xây dựng Smartcity (thành phố thông minh, Hàn Quốc đã thực hiện từ năm 2000 với tổng vốn đầu tư 200 tỷ USD), Smartfactory (nhà máy thông minh), Smartfarm (trang trại thông minh)…
Trong những ngày diễn ra AI4VN còn có các phiên hội thảo chuyên đề về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, du lịch, ngân hàng… cũng như các thảo luận chuyên sâu về nhu cầu phát triển nguồn nhân lực, nhu cầu hình thành hệ sinh thái hỗ trợ sự phát triển tại Việt Nam. Bên cạnh đó là chuỗi các hoạt động đa dạng, bao gồm: Tutorials (bài giảng đại chúng), Techshow (giới thiệu và demo công nghệ AI trong và ngoài nước), 48h-Hackathon, Startup Pitching…
Trong khuôn khổ AI4VN, 8 đại diện đến từ các cộng đồng, câu lạc bộ về AI đã chính thức cam kết chia sẻ nguồn lực và hình thành Liên hiệp các cộng đồng AI ở Việt Nam. Các cộng đồng đầu tiên tham gia liên minh bao gồm: Câu lạc bộ Khoa - Trường - Viện Công nghệ Thông tin - Truyền thông Việt Nam (FISU); Cộng đồng nghiên cứu, triển khai và ứng dụng Trí tuệ nhân tạo (AI4Life); Cộng đồng Chuyển đổi số (Digital Transformation); Cộng đồng Học máy Cơ bản (Machine Learning); Cộng đồng Google Developer (GDG); Cộng đồng Business Intelligence (BI); Cộng đồng Trí tuệ nhân tạo Việt (VietAI) và công ty Genetica.