Chiều 26/9/2019, TP. Đà Nẵng phối hợp với Công ty Microsoft Việt Nam tổ chức hội thảo “Giải pháp thành phố thông minh”.
Tại buổi hội thảo, các chuyên gia đã đề ra các giải pháp triển khai xây dựng thành phố thông minh tại Đà Nẵng như: “Thành phố an toàn” dựa trên công nghệ internet vạn vật (IoT) giúp tăng cường an ninh cho thành phố thông qua hình ảnh từ các camera và điện thoại di động; “Giao thông thông minh” liên quan đến hệ thống quản lý bãi đậu xe thông minh, hệ thống phát hiện các hành vi đậu xe trái phép, hệ thống quản lý các phương tiện giao thông cộng đồng; “Tòa nhà thông minh” sử dụng các cảm biến và vi mạch để thu thập dữ liệu, phân tích, hỗ trợ cải thiện độ bền hiệu suất của tài sản, giảm thiểu năng lượng sử dụng; “quản lý ứng phó thảm họa” cung cấp nền tảng thu thập dữ liệu về thiệt hại, nhu cầu của người tị nạn và tạo điều kiện cho qua trình phục hồi nhanh chóng hơn…
Ông Phạm Thế Trường, Tổng Giám đốc Microsoft Việt Nam cho rằng, TP. Đà Nẵng có tiềm năng lớn để trở thành phố thông minh đứng đầu cả nước. Đà Nẵng có chính sách cởi mở, tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp đầu tư công nghệ. Trong tương lai, Microsoft sẽ lựa chọn Đà Nẵng để hợp tác nhiều lĩnh vực công nghệ, nhằm xây dựng Đà Nẵng trở thành thành phố thông minh.
Ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở TT&TT Đà Nẵng cho biết: Hội thảo là cơ hội để thành phố có thể học hỏi kinh nghiệm ở các nước khác, từ đó xây dựng chương trình, đề án thành phố thông minh phù hợp nhất với điều kiện có sẵn. Xây dựng thành phố thông minh là xu thế tất yếu, khách quan, đáp ứng đòi hỏi của quản lý đô thị hiện đại và yêu cầu phát triển của TP. Đà Nẵng.
Trong thời gian tới, thành phố sẽ tăng cường hợp tác quốc tế, vận động, thu hút, huy động nguồn lực, kinh nghiệm và công nghệ từ các tổ chức, doanh nghiệp quốc tế, đồng thời, sẽ xây dựng đội ngũ nhân lực có trình độ, có khả năng vận hành và xây dựng thành phố thông minh hiệu quả…
Ngày 29/12/2018, UBND TP. Đà Nẵng đã ban hành Đề án xây dựng thành phố thông minh giai đoạn 2018-2025. Kế hoạch triển khai được chia thành 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 (từ nay đến năm 2020): Sẵn sàng hạ tầng, nền tảng và dữ liệu thông minh, đóng vai trò là nền tảng dùng chung cho các ứng dụng thành phố thông minh; giai đoạn 2 (từ 2020 đến 2025): Thông minh hóa các ứng dụng đã hình thành và thí điểm ở giai đoạn trước để phục vụ doanh nghiệp, người dân, du khách; chuyển quản lý đô thị từ truyền thống thành quản lý trên dữ liệu số; giai đoạn 3 (từ năm 2025 đến 2030): Thông minh hóa các ứng dụng cộng đồng với các công nghệ chuyên sâu như trí thông minh nhân tạo, máy học, thực tế ảo…