Thời gian qua, một số hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đã chuyển sang mô hình nuôi gà thả vườn theo hướng an toàn sinh học (ATSH). Phương pháp này nhằm bảo đảm an toàn dịch bệnh, vệ sinh môi trường và mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Một mô hình gà thả vườn cho hiệu quả cao và an toàn tại xã Sơn Bình (huyện Châu Đức).
Nuôi gà thả vườn là nghề có từ lâu đời của nhà nông, nhưng quá trình chăn dắt của gà mẹ không thể bảo vệ gà con an toàn và dịch bệnh. Mặt khác, do lượng đàn ít nên các hộ chăn nuôi thường không triển khai phòng dịch, bệnh cho đàn gà nên gây hao hụt lớn. Từ thực tế đó, năm 2013, trạm Khuyến nông - khuyến ngư huyện Châu Đức kết hợp với Phòng kỹ thuật nông nghiệp chọn 2 hộ dân tại xã Sơn Bình và Bình Giã đầu tư mô hình trình diễn để người chăn nuôi tham khảo và học hỏi kinh nghiệm. Quy mô của mỗi mô hình này là 200 con gà 1 ngày tuổi, giống gà Gò Công.
Theo trạm Khuyến nông - khuyến ngư huyện Châu Đức, những hộ tham gia mô hình này được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật làm chuồng úm, nuôi… để hạn chế tối đa thất thoát con giống. Trong quá trình nuôi, cán bộ kỹ thuật trực tiếp “cầm tay chỉ việc” cho người nuôi trong từng giai đoạn. Sau 4 tháng, tính trên một mô hình cho thấy, thất thoát trong thời gian nuôi 20 con, trọng lượng gà bình quân đạt 1,6kg/con với giá bán 85.000 đồng/kg và cho lãi 9,48 triệu đồng.
Ông Cao Xuân Cường, ở xã Sơn Bình, hộ được chọn làm mô hình mẫu cho biết: Việc nuôi gà thả vườn theo hướng ATSH cho hiệu quả cao và có thể tận dụng vườn ngay tại nhà của nông dân ở khu vực nông thôn để nuôi thả. Sản phẩm gà thả vườn được người tiêu dùng ưa thích và thường có giá cao hơn gà nuôi kiểu công nghiệp. Để hạn chế tình trạng thất thoát con giống, người nuôi nên chủng ngừa theo hướng dẫn để đàn gà không bị bệnh, quan sát những thay đổi thất thường trên đàn gà khi thời tiết thay đổi, thông báo kịp thời cho cán bộ thú y để xử lý khi đàn gà có dấu hiệu ủ rủ, phân có màu khác thường. Đặc biệt, trong chăn nuôi gà theo hướng ATSH, việc tiêu độc khử trùng phải tiến hành thường xuyên và trước khi chăn nuôi phải xịt theo quy định…
Để nhân rộng mô hình nuôi gà theo hướng ATSH, trạm Khuyến nông-khuyến ngư huyện Châu Đức đã thực hiện theo phương châm “để nông dân nói với nông dân”. Theo đó, những hộ được lựa chọn làm mô hình là người trực tiếp phổ biến cách làm và trả lời các câu hỏi của người dân khi quan tâm đến mô hình nuôi gà theo hướng ATSH.
Bên cạnh công tác chuyển giao kỹ thuật, ngành nông nghiệp huyện Châu Đức cũng chú trọng việc chọn lọc đàn gà mẹ thích ứng điều kiện sinh thái tại địa phương, tăng trọng nhanh, thịt ngon... Mặt khác, huyện đã và đang xây dựng mối liên kết sản xuất từ đầu vào đến tiêu thụ nhằm phát triển mô hình chăn nuôi gia cầm an toàn và góp phần giảm nghèo cho nông dân. Hiện nay, cả nước còn một số địa phương xảy ra dịch cúm gia cầm nhưng nhiều mô hình chăn nuôi gà thả vườn ATSH trên địa bàn tỉnh vẫn chứng tỏ cho hiệu quả tốt về kinh tế, xã hội. Đây là mô hình chăn nuôi phù hợp cho những hộ gia đình ít vốn có điều kiện phát triển chăn nuôi nhưng vẫn bảo đảm an toàn dịch bệnh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững.