Bà Ngô Thị Liên, Bí thư Đảng bộ, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh (thứ hai từ trái qua) trao tủ sách chi bộ cho
Chi bộ ấp Thạnh Sơn 1 (xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc). Ảnh: CẨM NHUNG
Tham luận của ThS.Đỗ Văn Đờ La Guôl nêu bật được sự gắn bó máu thịt với Nhân dân đã trở thành truyền thống quý báu của Đảng ta; không chỉ là yếu tố mang tính quyết định để đưa sự nghiệp cách mạng đi đến thành công trong quá khứ, mà ngày nay, trong thời kỳ mới, có tính hội nhập quốc tế, truyền thống ấy vẫn có giá trị to lớn, là vốn quý để giúp Đảng lãnh đạo nước ta vươn lên trở thành quốc gia hùng mạnh.
MỐI QUAN HỆ MÁU THỊT
Trong bài viết này, chúng tôi nhắc lại 2 câu chuyện tiêu biểu về sự đoàn kết, gắn bó máu thịt giữa Đảng với Nhân dân trong thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc ở BR-VT.
Xã Long Phước (TP.Bà Rịa ngày nay) đã sớm thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản (11/1947) để lãnh đạo phong trào đấu tranh cách mạng của địa phương. Sau một thời gian Chi bộ xã phát động quần chúng thực hiện kế hoạch đào địa đạo, đến giữa năm 1949, địa đạo Long Phước đã hoàn thành. Trong kháng chiến chống Mỹ, địa đạo Long Phước được Tỉnh ủy Bà Rịa - Long Khánh chọn làm nơi đóng căn cứ, chỉ đạo phong trào cách mạng của tỉnh. Địch biết rất rõ lực lượng cách mạng đang bám trụ ở địa đạo Long Phước nên đã dùng mọi thủ đoạn để xóa bỏ khu căn cứ này. Chính quyền Mỹ - Ngụy và chư hầu Úc đã thực hiện nhiều phương tiện chiến tranh hiện đại, sử dụng cả vũ khí hóa học, tổ chức nhiều đợt tấn công quy mô lớn hòng tiêu diệt lực lượng cách mạng đang bám trụ ở địa đạo nhưng vẫn bị quân và dân ta đẩy lùi. Vùng giải phóng Long Phước được giữ vững.
Bên cạnh đó, chính quyền Mỹ - Ngụy còn tập trung càn quét, gom dân lập ấp chiến lược ở xã Long Phước, nhằm thực hiện chính sách “tát nước bắt cá”, tách dân ra khỏi cộng sản. Dù vậy, chúng vẫn không thể ngăn cản được tấm lòng của người dân hướng về Đảng, về Bác Hồ kính yêu. Hằng ngày, người dân Long Phước tìm mọi cách để tiếp tế lương thực, bảo vệ, động viên các chiến sĩ cách mạng đang bám trụ chiến đấu ở địa đạo. Nhờ có sự tin tưởng, ủng hộ tuyệt đối của Nhân dân, lực lượng cách mạng mới có thể yên tâm bám trụ ở địa đạo Long Phước để chiến đấu đến ngày cách mạng toàn thắng.
Câu chuyện thứ hai, là những chuyến tàu vượt biển ra Bắc vận chuyển vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam. Sau khi Nghị quyết Trung ương 15 ra đời (1/1959), phong trào cách mạng miền Nam phát triển mạnh mẽ, cần nhiều vũ khí để đánh giặc. Theo sự chỉ đạo của Trung ương Cục miền Nam, nhiều địa phương đã tổ chức dùng ghe tàu vượt biển ra miền Bắc để tiếp nhận vũ khí chi viện của Trung ương.
Ở Bà Rịa, Vũng Tàu, Tỉnh ủy bí mật tổ chức 2 chuyến vượt biển ra Bắc vào tháng 5/1961 và tháng 2/1962. Hai chuyến đi này, lực lượng cách mạng không có kinh phí nên phải dựa vào dân hoàn toàn. 2 người dân đã tự nguyện ủng hộ 2 chiếc ghe (tài sản rất lớn đối với người dân lúc bấy giờ), lo toàn bộ tiền bạc, giấy tờ hợp pháp, lương thực, thậm chí vận động con em mình tham gia chuyến đi.
2 câu chuyện trên cho thấy, trong lúc cách mạng gặp khó khăn tưởng chừng như không thể vượt qua thì quần chúng Nhân dân vẫn luôn sát cánh bảo vệ, che chở, tận tình giúp đỡ cách mạng. Người dân không tiếc bất cứ thứ gì, thậm chí hy sinh cả mạng sống để bảo vệ các chiến sĩ cách mạng. Một khi cách mạng có được sự ủng hộ của Nhân dân, thì đúng như lời Bác Hồ dạy: “Ta có dân là có tất cả”.
Dưới sự vận động của đảng viên Lê Hoàng Đông Nghi, Bí thư Chi bộ ấp Tân Bình (xã Sơn Bình, huyện Châu Đức), người dân đã hiến gần 800m2 đất làm đường đi qua nhà của 30 hộ dân thuộc tổ 3, ấp Tân Bình. Trong ảnh: Đảng viên Lê Hoàng Đông Nghi cùng các em thiếu nhi đi trên con đường bê tông dài 240m, rộng 3,5m do người dân hiến đất để làm. Ảnh: MINH NHÂN
BÀI HỌC CÒN NGUYÊN GIÁ TRỊ
Qua hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới, đất nước ta có sự phát triển vượt bậc. Khi đất nước ngày càng phát triển, chúng ta càng cần phải tăng cường, củng cố mối quan hệ giữa Đảng với Nhân dân. Xem truyền thống quý báu này là nền tảng thiết yếu để tiếp tục tạo nên sự thành công của cách mạng trong giai đoạn mới. Để giữ gìn và phát huy truyền thống Đảng gắn bó máu thịt với Nhân dân, thiết nghĩ chúng ta cần thực hiện tốt một số vấn đề sau:
Thứ nhất, Đảng cần tăng cường phát huy dân chủ, bảo đảm tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về Nhân dân. Mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước phải xuất phát từ nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của Nhân dân, được Nhân dân tham gia ý kiến.
Thứ hai, nước ta hiện nay đang phát triển theo mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đội ngũ cán bộ, đảng viên hiện đối mặt với nhiều cám dỗ về tiền bạc, địa vị… Họ dễ bị sa ngã, tha hóa. Vì vậy, Đảng cần đẩy mạnh việc giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho đội ngũ cán bộ, đảng viên vững vàng trước mọi khó khăn, thách thức, phấn đấu cho mục tiêu, lý tưởng của Đảng.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên phải thật sự tiên phong, gương mẫu, tin dân, trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, dựa vào dân, có trách nhiệm với dân. Giải quyết kịp thời, có hiệu quả những bức xúc, những kiến nghị chính đáng của Nhân dân và khiếu nại, tố cáo của công dân. Kịp thời thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng thành chính sách, pháp luật phù hợp với thực tiễn và đáp ứng lợi ích, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân.
Trong giai đoạn cách mạng hiện nay, truyền thống Đảng đoàn kết gắn bó máu thịt với Nhân dân rất cần được tiếp nối và phát huy. Có được sự ủng hộ của nhân dân, Đảng sẽ có sức mạnh vô địch. Đây là điều kiện không thể thiếu để Đảng tiếp tục lãnh đạo Nhân dân tiến hành cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, để có được sự đoàn kết, ủng hộ của nhân dân, Đảng ta cần không ngừng phấn đấu xây dựng Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh, xứng đáng là người đầy tớ, người lãnh đạo trung thành của Nhân dân.