Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng, thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Thi đua, khen thưởng là động lực phát triển và là biện pháp quan trọng để xây dựng con người mới, nhiều năm qua, công tác thi đua khen thưởng của Bộ KH&CN đã có những chuyển biến tích cực, ngày càng đi vào nề nếp, tạo điều kiện thúc đẩy phong trào thi đua yêu nước trong hoạt động khoa học và công nghệ, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị được Đảng và Nhà nước giao.
Giai đoạn 2016 - 2020, Bộ đã tích cực triển khai nhiều giải pháp đồng bộ và đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ trong công tác thi đua khen thưởng. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về thi đua khen thưởng trong lĩnh vực khoa học và công nghệ được củng cố, hoàn thiện, tạo hành lang pháp lý thuận lợi để thực hiện thống nhất, đồng bộ.
Bộ KH&CN đã phát động các phong trào thi đua thiết thực, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ; đồng thời tích cực hưởng ứng, triển khai các phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động bằng các phong trào cụ thể như: “Đưa khoa học và công nghệ về nông thôn”, “Khoa học và công nghệ đồng hành cùng doanh nghiệp”... Phong trào thi đua “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở” giai đoạn 2019 - 2025 cũng được triển khai sâu rộng, lan tỏa tới từng đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Từ các phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình, tiêu biểu cho ý chí vươn lên, tinh thần vượt khó, tự lực, tự cường, dám nghĩ, dám làm, phát huy sức mạnh và sức sáng tạo của con người Việt Nam; tạo động lực mạnh mẽ, góp phần thiết thực vào phát triển ngành khoa học và công nghệ cả nước.
Theo ông Đàm Bạch Dương, Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao (Bộ KH&CN), thời gian qua, nhiều nghiên cứu khoa học và công nghệ (KH&CN) đã cho kết quả khả quan, kịp thời phục vụ thiết thực cho việc phòng, chống dịch Covid-19. Điển hình như nghiên cứu phát huy nền tảng của Hệ tri thức Việt số hóa trong phòng, chống dịch COVID-19 đã xây dựng bản đồ vùng dịch sử dụng Vmap, phát hiện những người có nguy cơ lây nhiễm tại các điểm du lịch, xây dựng phần mềm khai báo y tế; tham gia Tổ thông tin đáp ứng nhanh phòng, chống dịch COVID-19 tập hợp, huy động các nhà khoa học, các chuyên gia nghiên cứu và kịp thời có các sản phẩm KH&CN phục vụ hiệu quả công tác truy vết, kiểm soát các ca bệnh, khoanh vùng, dập dịch, dự báo dịch tễ… đóng góp tích cực cho công tác phòng, chống dịch.
Bộ kit phát hiện SARS-CoV-2 (do Học viện Quân y chủ trì, phối hợp với Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á thực hiện) đã được Bộ Y tế cấp phép sử dụng, Vương quốc Anh cấp giấy chứng nhận được bán tự do tại thị trường châu Âu từ ngày 20/4, WHO cấp Giấy chứng nhận chất lượng sản phẩm vào ngày 24/4. Cho đến nay, hơn 230.000 test đã được cung cấp cho cả nước, góp phần đặc biệt quan trọng trong công tác phòng, chống COVID-19. Bộ kit này cũng đã được tặng cho một số nước như Lào, Indonesia, Hungary góp phần tăng tình hữu nghị với các nước.
Nghiên cứu, sản xuất và thử nghiệm thành công sản phẩm robot hỗ trợ y tế VIBOT-1a (do Học viện Kỹ thuật quân sự thực hiện). VIBOT-1a được thử nghiệm tại BVĐK Bắc Thăng Long (Hà Nội) giúp giảm tải công việc cho đội ngũ y bác sĩ, giảm tiếp xúc trực tiếp với người nhiễm bệnh, người nghi nhiễm bệnh, qua đó giảm lây nhiễm chéo.
Nghiên cứu, chế tạo và thử nghiệm thành công robot NaRoVid1 (do Viện Ứng dụng công nghệ thuộc Bộ KH&CN thực hiện) có tính năng lau khử khuẩn sàn nhà, nhằm hỗ trợ, thay thế nhân viên y tế trong các khu vực cách ly điều trị bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2.
Nối tiếp các thành công, hiện nay, Bộ KH&CN sẽ tiếp tục triển khai một số nhiệm vụ theo hướng: Nghiên cứu sản xuất vắc-xin; Sản xuất vật tư, phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống dịch; Sản xuất thuốc điều trị COVID-19; sản xuất kháng thể đơn dòng; nghiên cứu đặc điểm hệ gen người mắc COVID-19... nhằm phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả hơn trong thời gian tới.