Nhờ vận động hội viên áp dụng khoa học - kỹ thuật (KH-KT) vào sản xuất, Tổ Phụ nữ trồng lúa năng suất cao của Chi hội Phụ nữ ấp Xóm Rẫy (xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc) đã giúp nhiều chị em có thu nhập khá hơn từ nông nghiệp truyền thống.
|
Mô hình Tổ Phụ nữ trồng lúa năng suất cao của hội viên Chi hội Phụ nữ ấp Xóm Rẫy (xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc). |
Phước Thuận là địa bàn khó khăn của huyện Xuyên Mộc, dân số toàn xã 7.916 người, trong đó có 58,1% sống bằng nghề nông. Trước đây, bà con nông dân sản xuất lúa theo kinh nghiệm truyền thống, canh tác lạc hậu nên cây lúa mang lại hiệu quả thấp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường do sử dụng quá nhiều phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV). Để nâng cao lợi nhuận cho người trồng lúa, tăng thêm giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích đất canh tác, Hội LHPN xã Phước Thuận đã tập trung tuyên truyền, vận động hội viên chuyển đổi cơ cấu cây trồng có năng suất cao vào sản xuất theo phương thức mới. “Được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện, năm 2014, Hội LHPN xã đã tổ chức 10 lớp chuyển giao KH-KT trồng lúa năng suất cao cho gần 300 hội viên tham gia với phương thức vừa học, vừa thực hành để chị em dễ hiểu, dễ nhớ và dễ ứng dụng vào thực tiễn”- bà Trần Thị Sen, Chủ tịch Hội LHPN xã Phước Thuận cho biết. Sau các khoá học, Hội LHPN xã đã lựa chọn 10 chị sản xuất giỏi tham gia vào mô hình thí điểm, Tổ phụ nữ trồng lúa năng suất cao của Chi hội Phụ nữ ấp Xóm Rẫy ra đời từ đó.
Trên tổng diện tích 15 mẫu đất trồng lúa của 10 hộ gia đình, chị em đã tích cực áp dụng các kiến thức KH-KT như xuống giống đồng bộ, phun thuốc với lưu lượng vừa đủ và đúng thời điểm nên cây lúa phát triển khá tốt, tránh được nhiều tác động xấu từ thiên nhiên, sâu bệnh. Bà Nguyễn Thị Ân, tổ 1, ấp Xóm Rẫy cho biết: “Nếu như trước đây, trung bình 1 sào lúa tốn gần 200 ngàn đồng tiền phân, thuốc BVTV và phải bơm 2-3 lần thuốc thì nay, sản xuất theo hướng mới chỉ mất khoảng 80-100 ngàn đồng/sào, vụ này tôi chỉ mới bơm có 1 lần mà cây lúa vẫn khỏe mạnh”. Bên cạnh việc tập huấn về kỹ thuật trồng lúa năng suất cao, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện còn giới thiệu và chuyển giao các loại giống lúa mới như RVT, TBR1 do Công ty CP Giống cây trồng Trung ương sản xuất cho các hội viên. Gia đình bà Lê Thị Chuyện, tổ 1, ấp Xóm Rẫy có gần 2 mẫu đất canh tác, trước đây chủ yếu trồng giống lúa Khang Dân, mỗi vụ chỉ thu được khoảng 1,5-2 tạ/sào, nhưng trong đó, chi phí sản xuất chiếm khoảng 30% doanh thu, gia đình bà chỉ có thể lãi hơn 1 triệu đồng/sào/vụ. Sau khi chuyển sang trồng giống lúa mới RVT, năng suất đạt trung bình từ 2,5-3 tạ/sào, thu nhập bình quân gần 3,5 triệu đồng/sào/vụ. Trừ tất cả chi phí, gia đình bà Chuyện thu lãi gần 60 triệu đồng/năm. Bà Chuyện phấn khởi cho biết: “Năng suất lúa của gia đình tôi hiện đã tăng gần gấp đôi so với trước, lợi nhuận cao hơn hộ khác khoảng 500 ngàn đồng/sào/vụ, hạt lúa lại đẹp nên rất dễ bán”.
Với thành công bước đầu trong việc chuyển đổi 15 mẫu đất trồng 2 vụ/năm lúa kém hiệu quả sang trồng 3 vụ/năm lúa năng suất cao, thời gian sinh trưởng ngắn với các loại giống tốt, quy trình thâm canh mới tiết kiệm chi phí, giảm được lượng phân bón và thuốc BVTV, Tổ Phụ nữ trồng lúa năng xuất cao đã tạo điều kiện cho chị em phát triển kinh tế gia đình, nhiều hộ nghèo nay đã vươn lên ổn định cuộc sống, góp phần quan trọng vào chương trình xóa đói, giảm nghèo của địa phương. “Để phát huy kết quả đạt được, Hội LHPN xã Phước Thuận đang tiếp tục vận động chị em tích cực tham gia lao động sản xuất, đưa các giống cây trồng có năng suất cao vào sản xuất, xây dựng, phát triển kinh tế gia đình và tìm cách hỗ trợ hội viên nghèo, có hoàn cảnh khó khăn vươn lên xóa nghèo bền vững”- bà Trần Thị Sen cho biết thêm.