Vựa bưởi vùng cao
Đó là câu chuyện của những người khai hoang tại xã Tràng Xá, huyện vùng cao Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên. Những năm 60 của thế kỷ trước, người dân Hưng Yên đã di cư tới đây lập vùng kinh tế mới. Giữa chốn rừng thiêng nước độc, nỗ lực khai khẩn của con người trong hơn nửa thế kỷ đã mang lại cho Tràng Xá diện mạo mới của bức tranh nông thôn bền vững. Cây bưởi ban đầu được một vài hộ dân đưa lên trồng với chỉ suy nghĩ đơn giản là có trái ngọt cho vợi nhớ quê hương.
Vậy nhưng, bưởi lại đặc biệt hợp với thổ nhưỡng đất Tràng Xá. Cây bén đất, lên nhanh, quả sai, cho vị ngọt chẳng kém gì bưởi giống gốc ở Hưng Yên. Qua hàng chục năm, người dân vẫn chỉ nhân giống quảng canh gọi là có quả ăn chơi. Thu nhập chính của bà con vẫn là cây chè với diện tích cả xã có tới hơn 400 ha đất chè. Từ những năm đầu thế kỷ này, người dân nhận thấy chất lượng, giá trị của cây bưởi nên đã mạnh dạn đầu tư trồng bưởi kinh doanh. Rất nhanh, con số tổng hợp diện tích bưởi tăng nhanh. Năm 2010, toàn xã mới có hơn 70 ha, nay con số đã xấp xỉ 300 ha. Giống bưởi không chỉ là bưởi Diễn như thời điểm ban đầu mà có cả Phúc Trạch, da xanh... Người trồng bưởi quy mô ở Tràng Xá cũng không chỉ còn là những người quê gốc Hưng Yên mà gồm cả những cư dân bản địa, đồng bào dân tộc ít người. 20 xóm bản của Tràng Xá đều có người trồng bưởi.
Đầu tư
Bưởi Tráng Xá đã tạo được thương hiệu riêng. Một số siêu thị lớn tại Hà Nội, Thái Nguyên đặc cách kệ bán hàng cho sản phẩm bưởi Tràng Xá. Thậm chí, bưởi nơi đây còn được bán quay đầu trở về Hưng Yên.
Năm 2019, Tổ hợp tác sản xuất Bưởi VietGAP xã Tràng Xá, huyện Võ Nhai đã được Công ty Cổ phần chứng nhận và kiểm nghiệm FAO chứng nhận bưởi đạt chuẩn VietGAP. Ông Chu Thanh Phong (Tổ trưởng sản xuất) cho biết, 112 hộ thành viên của Tổ hợp tác sản xuất Bưởi VietGAP Tràng Xá có diện tích 50 ha đã được đào tạo kiến thức chung về hực hành nông nghiệp tốt, sử dụng phân bón và thuốc BVTV an toàn, an toàn lao động trong sản xuất… Các quy trình, quy định về tiêu chuẩn được đề cập chi tiết trong sổ tay hướng dẫn sản xuất bưởi Tràng Xá theo VietGAP. Tổ hợp tác đã xây dựng quy chế hoạt động sản xuất và yêu cầu các hộ thành viên Tổ hợp tác ký cam kết thực hiện.
Là một trong những hộ đi đầu trồng bưởi trên miền đất vùng cao này, ông Hoàng Văn Hãn có 2 ha bưởi với các giống bưởi Diễn, da xanh và Phúc Trạch. Theo ông Diễn, kể từ khi sản phẩm bưởi Tràng Xá đạt chứng nhận VietGAP đã tạo ra những điều kiện thuận lợi để người sản xuất, kinh doanh bưởi Tràng Xá có thêm cơ hội nâng cao vị thế cạnh tranh, giá trị sản phẩm, mở rộng thị trường, mang lại lợi ích cho người trồng bưởi và góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn của địa phương.
Xóm Lò Gạch (xã Tràng Xá) có tới hơn 90% người dân quê gốc Hưng Yên. Nên cũng không lạ khi hầu hết các hộ dân trong xóm đều trồng bưởi. Dù mới khởi nghiệp nhưng anh Lương Văn Dương ở xóm Lò Gạch có khu vườn bưởi rộng khoảng một ha, trước đây trồng ngô, táo. Dương cho biết, giá trị kinh tế của ngô rất thấp, còn táo thì sản xuất bấp bênh, năm được mùa thường không có thị trường tiêu thụ nên cuộc sống gia đình khó khăn. Đến nay, toàn bộ khu vườn nhà Dương được trồng bưởi Diễn với khoảng 300 cây, gần một nửa số cây cho thu hoạch. Những cây bưởi trồng lớp đầu tiên, tán rộng, có cây cho 310 quả, giá bán bình quân 25 nghìn đồng/quả, thu gần tám triệu đồng. Năm nay, vườn bưởi cho thu hơn một vạn quả, mang lại thu nhập gần 300 triệu đồng. Điều đặc biệt là toàn bộ vườn bưởi của gia đình Dương đã được người buôn ở tỉnh Hưng Yên và thành phố Hà Nội đặt mua hết.
Bà Chu Thị Lệ Hiền (Chủ tịch UBND xã Tràng Xá) cho biết, Tràng Xá đã trở thành vùng sản xuất bưởi tập trung. Cây bưởi mang lại giá trị kinh tế cao, thu nhập khá cho nhân dân. Nhiều hộ dân đã thoát nghèo nhờ trồng bưởi, trong đó có đồng bào dân tộc ít người.