Trồng muồng hoa vàng để ép xanh trước khi trồng cà phê, một giải pháp canh tác thông minh. Ảnh: Nguyễn Văn Bộ.
Sản xuất thông minh là một khái niệm không mới, song chưa phổ biến. Gần đây, sản xuất thông minh được cho là sản phẩm của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vốn lần đầu tiên được nêu ra tại “Hội chợ Công nghệ Hannover” ở Cộng hòa liên bang Đức năm 2011.
Đến nay, chưa có định nghĩa nào chính thức về sản xuất thông minh và càng chưa có khái niệm cũng như định nghĩa về nông nghiệp thông minh. Một số định nghĩa về sản xuất thông minh chủ yếu tập trung cho lĩnh vực công nghiệp, tự động hóa và xoay quanh ứng dụng công nghệ thông tin.
Trong nông nghiệp, hiện nay mới chỉ có khái niệm “Nông nghiệp thông minh với khí hậu” (CSA) do Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hiệp quốc (FAO) đề xuất năm 2014. CSA được định nghĩa là phương thức sản xuất nông nghiệp có khả năng ứng phó (cả giảm thiểu và thích ứng) với tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu (BĐKH) để ổn định an ninh lương thực và phát triển bền vững.
CSA dựa trên 3 trụ cột chính, đó là: Tăng trưởng bền vững về năng suất và thu nhập của người sản xuất; thích ứng với sự thay đổi của khí hậu; giảm thiểu (hoặc loại trừ) phát thải khí nhà kính.
Ba trụ cột trên, có thể tóm tắt thành 2 mục tiêu là năng suất (an ninh lương thực); thích ứng và giảm thiểu tác động của BĐKH (bao gồm cả cân bằng cacbon cũng như giảm phát thải khí nhà kính).
Hài hòa an ninh lương thực, an ninh dinh dưỡng
Nông nghiệp Việt Nam là một ngành kinh tế với độ mở lớn, rất nhiều nông sản xuất khẩu với tỉ lệ cao như cà phê, hồ tiêu, hạt điều, cao su (trên 90% sản lượng), gạo, thủy sản (tôm, cá da trơn), sản phẩm chế biến từ gỗ… Mọi thay đổi về nhu cầu của thị trường (chất lượng, khối lượng, thời gian) đều ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất.
Do vậy, thông minh với thị trường là yêu cầu quan trọng nhất trong sản xuất nông nghiệp với các tiêu chí cần quan tâm, đó là: sản xuất cái gì, lúc nào, khối lượng bao nhiêu và bán đi đâu, trên cơ sở khai thác tối đa lợi thế so sánh về tài nguyên tự nhiên, khí hậu, con người. Các yêu cầu về chỉ tiêu chất lượng của mỗi thị trường cũng có vai trò quyết định đến định hướng và qui hoạch sản xuất từng loại sản phẩm.
Đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, nhưng không nhất thiết phải phấn đấu trở thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Ảnh: LHV.
Nhìn vào 3 nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam trong mối quan hệ với thương mại toàn cầu có thể thấy, thị phần gạo xuất khẩu của Việt Nam chiếm từ 13-18,9%; cà phê từ 19-21% (trong giai đoạn 2011-2017/2019) và quy mô thị trường thế giới về các nông sản tăng không lớn, gần mức độ bão hòa.
Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam mới chỉ chiếm 0,31-1,35% tổng giá trị xuất khẩu toàn cầu. Do vậy, chúng ta cần cân nhắc đầu tư chế biến sâu lúa gạo, cà phê và các nông sản không còn nhiều dư địa cho xuất khẩu thay vì tăng khối lượng; còn rau quả, thủy sản có thể đẩy mạnh sản xuất thêm nữa…
Việt Nam hiện là nước xuất khẩu gạo lớn hàng đầu thế giới, song chỉ số an ninh lương thực của Việt Nam lại xếp thứ 63 trên thế giới, trong khi nhiều nước không sản xuất lương thực song lại có chỉ số này rất cao. Điều này liên quan đến năng lực tiếp cận của mọi người dân với lương thực.
Do đó, cần phải xem xét lại chiến lược xuất khẩu gạo dựa vào cân đối tài nguyên đất, nước, hiệu quả kinh tế, môi trường và phát thải khí nhà kính trên cơ sở đảm bảo an ninh lương thực quốc gia mà không nhất thiết phải phấn đấu để trở thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới.
Theo hướng này, điều chỉnh cơ cấu sản xuất để tăng chất lượng gạo, tăng diện tích cây ăn quả, rau màu, đồng cỏ cho chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản sẽ giúp cải thiện chỉ số an ninh lương thực quốc gia và dần tiến tới an ninh dinh dưỡng cho mỗi con người.
Đã có những lúc, nông sản của chúng ta tập trung với tỉ lệ quá cao vào một thị trường do những lý do khác nhau làm cho mức độ rủi ro rất cao, đôi khi Chính phủ phải “giải cứu”. Do vậy, đa dạng thị trường, kể cả thị trường trong nước sẽ giúp nông sản có độ an toàn cao hơn.
Chuyển sản xuất dựa vào đất sang dựa vào công nghệ
Điều kiện tự nhiên bao gồm tài nguyên như đất, nước, khí hậu, đa dạng sinh học… Việc sử dụng đất phù hợp với cây trồng và hệ thống cây trồng đã được nhiều thế hệ tổng kết theo phương châm “đất nào cây ấy”.
Lên liếp trồng hồ tiêu trên đất phèn, một giải pháp vận dụng hài hòa trong sản xuất vùng phèn, mặn ĐBSCL. Ảnh: Phan Văn Tâm.
Chính các điều kiện đặc thù của tự nhiên mà cho chúng ta các sản phẩm đặc sản, có chỉ dẫn địa lý như gạo Nàng thơm chợ Đào (xã Mỹ Lệ, Cần Đước, Long An); gạo tám (Hải Hậu, Nam Định); gạo nếp Tú Lệ (Văn Chấn, Yên Bái) hay cam Xã Đoài (Nghệ An), vú sữa Lò Rèn (Vĩnh Kim, Châu Thành, Tiền Giang); bưởi Diễn (Hà Nội), bưởi Đoan Hùng (Phú Thọ), bưởi Phúc Trạch (Hà Tĩnh), bưởi da xanh (Bến Tre)…
Với tài nguyên đất, Việt Nam có đến 3/4 diện tích lãnh thổ là đất dốc, do vậy, việc sử dụng hợp lý loại đất này rất quan trọng. Từ ngàn năm nay, các thế hệ cha ông đã phát minh ra kiểu canh tác trên ruộng bậc thang, vừa tránh được xói mòn đất vừa giữ được nước. Gần đây, các kiểu canh tác bậc thang dần, hàng rào hạn chế xói mòn, trồng cây phủ đất, xen canh… là những cải tiến rất hiệu quả.
Việt Nam cũng có trên 2 triệu hecta đất phèn, đất mặn mà bản chất chúng là đất phù sa rất màu mỡ. Do vậy, các biện pháp canh tác thông minh như lên líp, kết hợp thủy lợi đã ngọt hóa được các loại đất trên, không chỉ trồng được lúa mà còn có thể trồng cây ăn quả, cây rau, màu.
Những nơi khó cải tạo vùng ven biển thì thay đổi phương thức canh tác như lúa - tôm, tôm - rừng, hay tại những vùng ngập nước như sản xuất lúa - cá… làm cho hiệu quả sử dụng đất tăng lên đáng kể. Trên vùng đất bị xâm nhập mặn, sản xuất tôm - lúa đã trở thành phương thức canh tác tổng hợp rất hiệu quả với quy mô gần 200 ngàn hecta vùng bản đảo Cà Mau. Tôm - lúa đã trở thành hệ thống canh tác hữu cơ quy mô lớn nhất tại Việt Nam.
Tưới kết hợp bón phân trên đất cát, một giải pháp tiếp cận thông minh giúp tiết kiệm nước tưới, giảm chi phí sản xuất. Ảnh: Nguyễn Văn Bộ.
Như vậy, với phương thức tiếp cận thông minh, chúng ta đã chuyển từ nền sản xuất “dựa vào đất” sang nền sản xuất dựa vào “công nghệ”.
Tài nguyên nước có thể được coi là yếu tố sống còn của sản xuất và đời sống. Do vậy, mọi qui hoạch và kế hoạch sản xuất đều cần tính đến khả năng cung cấp nước cả về số lượng và chất lượng.
Việt Nam đang đổi mặt với tình trạng khan hiếm nước do chỉ có dưới 30% lượng nước nội sinh, lại phân bố không đều trong năm nên gây ra lũ trong mùa mưa và khô hạn trong mùa khô. Theo đánh giá của một số nghiên cứu, chỉ số an ninh nguồn nước của Việt Nam xếp thứ 5 trong 10 nước ASEAN và có nguy cơ còn xuống vị trí thấp hơn khi các đập thủy điện và trữ nước trên thượng nguồn sông Mê Kông được hoàn tất xây dựng.