Niềm tin... chanh dây khi cây hồ tiêu chết hàng loạt
18/05/2018
Hồ tiêu bị bệnh chết hàng loạt, giá liên tục giảm khiến người trồng tiêu ở huyện Chư Pưh (Gia Lai) lâm vào cảnh nợ nần chồng chất. 

Rất may là chính quyền địa phương và doanh nghiệp đã vào cuộc, giúp bà con dần ổn định cuộc sống.

 

15-04-56_chnh_dy_1
Những vườn chanh dây trĩu quả được trồng thay thế từ những vườn hồ tiêu đã chết, đem lại hy vọng lớn với nông dân Chư Pưh

 

Trước những diễn biến của cây hồ tiêu, UBND huyện Chư Pưh đã làm việc với các ngành liên quan của huyện, các xã, thị trấn và lãnh đạo Trung tâm Chế biến rau quả Doveco (Cty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao) nhằm phát triển vùng nguyên liệu cho nhà máy chế biến rau củ quả và liên kiết SX, tiêu thụ sản phẩm.

 

Loại cây trồng thay thế được chính quyền và nông dân ở đây nhắm đến là chanh dây. Hiện đã có trên 150 hộ ở 7 xã và thị trấn của huyện đăng ký tham gia chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ký kết với Trung tâm Chế biến Doveco với tổng diện tích trên 107ha để trồng chanh dây.

 

Những diện tích đất được chuyển đổi chủ yếu là đất trồng hồ tiêu bị chết, được nông dân tận dụng các trụ tiêu để làm giàn và một phần diện tích đất hoa màu không hiệu quả.

 

Để việc triển khai dự án hiệu quả, 11 tổ hợp tác đã được thành lập, nhằm đại diện cho nông dân tham gia tập huấn kỹ thuật, ký kết hợp đồng với Cty về liên kết SX và tiêu thụ sản phẩm... Được biết trước mắt, Cty cam kết sẽ cho nông dân mượn giống để trồng, đồng thời bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho bà con với giá tối thiểu là 6.000 đồng/kg chanh xô, với chanh loại 1 được thu mua theo giá thị trường. "Hiện chúng tôi đăng ký làm thử, nếu thời gian tới mô hình này hiệu quả, chúng tôi sẽ mở rộng thêm diện tích”, anh Huỳnh Văn Ánh- Phó GĐ HTX Nông- Lâm nghiệp Ia H'rú cho biết.

 

Xã Ia Rong thành lập mới hai tổ hợp tác, nhằm tập hợp nông dân liên kết với Cty trong việc SX chanh dây. Chị Huỳnh Thị Thu Hà- Tổ trưởng Tổ hợp tác thôn Khô Roa (xã Ia Rong) cho biết: “Tiêu chết, bà con không dám trồng lại nữa, vì sợ vườn cây tiếp tục bị sâu bệnh, vả lại muốn trồng lại tiêu cũng không có tiền đầu tư, vậy nên đất chỉ bỏ không. Giờ trồng chanh dây, tận dụng các trụ tiêu để làm giàn, gia đình tôi cũng đăng ký để trồng thử hơn 4 sào chanh dây vì mình cũng chưa có kinh nghiệm. Hy vọng khi có đầu ra ổn định sẽ giúp người người dân có thu nhập ổn định”.

 

Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Chư Pưh, ông Nguyễn Long Khánh cho biết: “Thu nhập từ cây ăn trái trên địa bàn huyện thời gian gần đây cho thấy cao hơn so với trồng tiêu. Với những vườn cà phê, tiêu hiện có, huyện khuyến khích trồng xen với các loại cây ăn trái như sầu riêng, bơ…

 

Ông Khánh cho biết thêm: "Hiện trên địa bàn chưa có vùng chuyên canh cây ăn trái, chủ yếu trồng xen canh trong vườn hộ gia đình. Qua đánh giá, chúng tôi thấy cây ăn trái phát triển rất tốt do phù hợp với điều kiện đất đai, thổ nhưỡng của địa phương. Nhìn thấy điều này nên bà con đã chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phá vỡ thế độc canh cây hồ tiêu, nhằm đem lại thu nhập cao và ổn định hơn".

 

Cũng theo ông Khánh, đối với cây ăn trái, người dân chủ yếu trồng tự phát, sau đó thu hoạch bán cho các cơ sở thương lái tại địa phương, khó chủ động giá cả. Do vậy, huyện đã chủ động mời Cty Cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao về, chuyển giao chương trình liên kết với nông dân để trồng một số cây ăn quả như chanh dây, chuối, dứa, măng tre Bát độ với hình thức liên kết SX và bao tiêu sản phẩm...

 

Anh Huỳnh Văn Ánh, Phó GĐ Hợp tác xã Nông Lâm nghiệp Ia Hrú (xã Ia Hrú) cho biết: “Vừa qua dân mình trồng tiêu thì bị chết hết cũng muốn chuyển đổi cây trồng nhưng chưa biết chuyển qua cây trồng nào. Giờ thấy Cty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao có đầu tư vùng nguyên liệu ở địa phương nên các xã viên của HTX đã đăng ký và ký kết với Cty để SX chanh dây.

 


Số lượt đọc: 368 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác