Hợp tác kinh tế và phát triển Việt Nam-Australia vươn lên tầm cao mới
10/06/2018

Ngày 15/3, Thủ tướng Australia Malcom Turnbull và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ra Tuyên bố chung về thiết lập quan hệ đối tác chiến lược giữa Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Australia, trong đó, có nội dung quan trọng liên quan đến hợp tác kinh tế và phát triển.

Thủ tướng Australia Malcom Turnbull và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chứng kiến lễ ký các thỏa thuận hợp tác giữa các bộ, ngành hai nước. Nguồn: TTXVN.

 

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức tới Australia và tham dự Hội nghị Cấp cao Đặc biệt ASEAN-Australia của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ngày 15/3, Thủ tướng Australia Malcom Turnbull và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ra Tuyên bố chung về thiết lập quan hệ đối tác chiến lược giữa nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Australia.

 

 

Trong đó, nội dung hợp tác kinh tế và phát triển của Tuyên bố chung bao gồm 7 cam kết sau:

1. Hai bên cam kết làm sâu sắc quan hệ thương mại và đầu tư song phương, đồng thời tiếp tục thúc đẩy thương mại và đầu tư thông thoáng hơn thông qua hội nhập kinh tế khu vực và toàn cầu.

 

2. Trên cơ sở bổ trợ lẫn nhau của hai nền kinh tế, hai bên sẽ xúc tiến các biện pháp tiếp cận thị trường và thuận lợi hóa thương mại cho hàng hóa của nhau, bao gồm cả nông sản và hải sản.

 

3. Hai bên hoan nghênh việc thiết lập cơ chế Hội nghị Đối tác kinh tế thường niên cấp Bộ trưởng để xác định các cơ hội mở rộng thương mại, đầu tư, hợp tác phát triển và cải cách kinh tế bền vững. Diễn đàn kinh tế mới này sẽ thay thế Uỷ ban Hỗn hợp về Hợp tác Thương mại và Kinh tế, giúp tăng cường đối thoại giữa các Bộ trưởng chủ chốt phụ trách thương mại, đầu tư, phát triển và quy hoạch, đồng thời tạo sự đồng bộ giữa các khía cạnh khác nhau của liên kết kinh tế giữa hai nước.

 

4. Hai bên nhận thức rõ tầm quan trọng của mối liên kết mạnh mẽ và trực tiếp giữa các doanh nghiệp đối với quan hệ thương mại và đầu tư song phương. Hai bên khuyến khích doanh nghiệp hai nước đẩy mạnh kết nối và nâng cao hiểu biết về tính bổ trợ lẫn nhau của hai nền kinh tế, kể cả thông qua các đoàn doanh nghiệp và xúc tiến thương mại hai chiều.

 

5. Australia đánh giá cao những thành tựu to lớn về xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế của Việt Nam. Việt Nam hoan nghênh hỗ trợ phát triển chính thức song phương và khu vực nhiều năm qua của Australia. Hai bên cam kết xây dựng quan hệ đối tác kinh tế nhằm giúp Việt Nam thực hiện các mục tiêu kinh tế-xã hội và phát triển, với trọng tâm là cải cách kinh tế, phát triển nguồn nhân lực, kết nối khu vực tư nhân, biến đổi khí hậu, bình đẳng giới và sáng tạo.

 

6. Hai bên sẽ tiếp tục xây dựng quan hệ đối tác cùng có lợi trong lĩnh vực nông nghiệp, bao gồm các dự án nghiên cứu chung và hỗ trợ kỹ thuật nhằm nâng cao năng lực và khả năng cạnh tranh của nông nghiệp Việt Nam, thúc đẩy thực hiện các tiêu chuẩn quốc tế và chuỗi cung ứng tin cậy.

 

7.  Hai bên cũng sẽ tăng cường hợp tác trong những lĩnh vực cùng có lợi như năng lượng, tài nguyên, kinh tế biển, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

 

Đây là những cam kết quan trọng góp phần đưa quan hệ song phương Việt Nam và Australia vươn lên tầm cao mới.

 

Trong những năm qua, hợp tác kinh tế Việt Nam-Australia phát triển mạnh mẽ. Australia hiện là đối tác thương mại đứng thứ 8 của Việt Nam và đứng thứ 19/125 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam

 

Thống kê từ Bộ Công thương cho thấy, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Australia đã tăng hơn 200 lần trong gần ba thập kỷ qua, từ 32,3 triệu USD năm 1990 lên 6,46 tỷ USD năm 2017.

 

Riêng hai tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Australia đạt xấp xỉ 590 triệu USD, tăng mạnh gần 46,8% so với cùng kỳ 2017, tương đương con số khoảng 188 triệu USD.

 

Ngược lại, tổng trị giá kim ngạch nhập khẩu đạt gần 443 triệu USD, tăng 16,8% so với hai tháng đầu năm ngoái.

 

Tính đến hết tháng Hai vừa qua, Việt Nam đang xuất siêu 147 triệu USD sang thị trường quan trọng này.

 

Đáng chú ý, trong quan hệ thương mại với Australia, Việt Nam luôn đạt được thặng dư nhưng con số xuất siêu đang có chiều hướng giảm dần.

 

Nếu các năm 2013 và 2014, thặng dư của Việt Nam tương ứng là 1,76 tỷ USD và 1,84 tỷ USD, các năm 2015 và 2016 mức thặng dư giảm mạnh xuống chỉ còn lần lượt 816 triệu USD và 403 triệu USD.

 

Năm 2017 Việt Nam chỉ còn thặng dư 116 triệu USD trong trao đổi thương mại với Australia, mức thấp nhất được ghi nhận trong năm năm qua.

 

Các mặt hàng xuất khẩu sang thị trường này chủ yếu là các nhóm hàng máy móc phụ tùng, thiết bị điện tử, điện thoại, linh kiện điện tử, dầu thô, giày dép, dệt may và thủy sản….

 

Ngược lại, hàng hóa nhập khẩu chủ yếu từ Australia trong năm 2017 gồm kim loại thường loại khác (theo phân nhóm), than đá, lúa mỳ, bông.

 


Số lượt đọc: 515 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác