Anh kỹ sư mê làm nông dân
13/06/2018

(CTG) Sơn đã có nhiều sáng kiến cải tiến quy trình sản xuất giống cây, nhiều nghiên cứu khoa học của anh và đồng nghiệp được ứng dụng vào thực tế, nâng cao năng suất, giảm chi phí cho người nông dân.

Trong 336 điển hình trẻ tại Đại hội thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác năm 2018 được Trung ương Đoàn tổ chức tại TP.HCM trong hai ngày 19 và 20-5, Bùi Văn Sơn (29 tuổi) - nhà khoa học trẻ nhiều năm tham gia chương trình Trí thức khoa học trẻ tình nguyện do Thành đoàn TP.HCM phát động.

 

Anh Bùi Văn Sơn tham gia chuyển giao mô hình trồng dưa lưới cho nông dân - Ảnh: C.K.

 


Sáng kiến cải tiến quy trình

Ra trường, Sơn đầu quân về Trung tâm Nghiên cứu và phát triển nông nghiệp công nghệ cao (H.Củ Chi, TP.HCM) với mong muốn được tiếp tục con đường nông học của mình.

 

"Nhà mình làm nông nghiệp cả đời vất vả nên cha mẹ cũng không muốn con cái theo đuổi con đường này. Nhưng mình đam mê và chỉ nghĩ đến nền nông nghiệp chất lượng cao" - Sơn bộc bạch.



Sơn cho biết phần lớn nông dân không trực tiếp gieo hạt giống mà thuê bên trung tâm làm vừa có lợi về mặt thời gian vừa đạt hiệu quả cao trong sản xuất. 



"Chính vì thế, chúng tôi luôn ý thức làm ra những cây giống khỏe, có sức chịu đựng môi trường bên ngoài tốt để nông dân yên tâm chăm sóc, từ đó năng suất mới cao" - Sơn nói.



Anh Hiến Quốc, nông dân ở xã Nhuận Đức (Củ Chi), đến nhận cây giống, cho biết anh thuê trung tâm gieo giống sẽ tiết kiệm hơn là tự mình thuê nhân công ươm giống. Không chỉ lợi về giá thành mà còn lợi cả về thời gian khai thác đất. Hết vụ mùa, anh chỉ cần làm đất để tiếp tục nhận giống cây về tiếp tục cho mùa vụ sau.



Không chỉ làm hết những công việc của một phó phòng sản xuất thực nghiệm của trung tâm, Sơn còn luôn tìm tòi và cho ra đời khá nhiều sáng kiến gắn liền với việc nâng cao chất lượng giống cây trồng. Bên cạnh đó là những nghiên cứu cùng đồng nghiệp thực hiện để áp dụng những phương pháp sản xuất tiên tiến, giảm thiểu việc phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.



Đề tài "Nghiên cứu bổ sung đặc điểm sinh học, khả năng ăn mồi của bọ rùa sáu vệt đen và bọ rùa hình chữ Y ngược trên một số đối tượng côn trùng gây hại chính trong nhà lưới tại TP.HCM" của Sơn giúp quản lý các loài dịch hại trên một số cây trồng trong nhà lưới. 



Mỗi năm Sơn cũng có vài sáng kiến cải tiến quy trình gieo giống, chăm sóc cây trồng hiệu quả, nâng cao năng suất cây trồng và đảm bảo độ an toàn trong sản xuất rau sạch cung cấp cho thị trường.

 

Mình hi vọng Việt Nam với thế mạnh là vùng nông nghiệp, trong tương lai sẽ ngày càng phát triển khi được ứng dụng quy trình, kỹ thuật công nghệ cao vào sản xuất

 

BÙI VĂN SƠN

Học từ nhà nông

Một số nhà nông sử dụng thuốc bảo vệ thực vật vô tội vạ, chưa nghĩ đến chất lượng an toàn cho người dùng là điều khiến Sơn luôn trăn trở. 



Vì thế Sơn luôn là thành viên tích cực của đội hình trí thức trẻ tình nguyện vì cộng đồng của Trung tâm Phát triển khoa học và công nghệ trẻ (Thành đoàn TP.HCM), thực hiện những chuyên đề: trồng dưa lưới, rau mầm, rau ăn lá... cho bà con nông dân, cũng như các bạn trẻ có nhu cầu khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.



"Mình cung cấp cho nông dân nhiều sự lựa chọn để làm nông nghiệp sạch một cách hiệu quả. Nghĩa là họ được lợi về năng suất, tăng nguồn thu nhập, còn người tiêu dùng lại được dùng sản phẩm có độ an toàn tốt cho sức khỏe" - anh Sơn cho hay. 



Tuy nhiên, Sơn cho biết đó không chỉ là một chiều mà khi giúp nhà nông, anh cũng học được nhiều từ họ. "Đó là những kinh nghiệm lâu năm trên ruộng đồng, chúng tôi tìm hiểu sâu để lấy những cái hay áp dụng trong cải tiến quy trình" - Sơn nói.

 

Bùi Văn Sơn cho biết nông nghiệp Việt Nam phát triển chậm so với các nước láng giềng và thế giới, giá cả không ổn định.

 

"Chuyển giao kỹ thuật, đồng thời kết hợp các công ty bao tiêu sản phẩm để xuất đi nước ngoài, từ đó giúp giá nông sản cao và ổn định. Đó là điều mong đợi của những kỹ sư nông học như chúng tôi" - Sơn chia sẻ.

 

Anh Trần Đức Sự, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển khoa học và công nghệ trẻ (Thành đoàn TP.HCM), nhận xét: "Với kiến thức chuyên môn và công việc tại Ban quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao thành phố, Sơn đã không quản ngại khó khăn đến với người dân các huyện ngoại thành và các tỉnh để tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật sản xuất rau sạch công nghệ cao; giúp bà con địa phương phát triển mô hình kinh tế nông nghiệp theo hướng hiện đại".

 

 


Số lượt đọc: 559 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác