Khiến dân nghèo điêu đứng, tín dụng đen vẫn khó xử lý hình sự
27/05/2019

Đại biểu Quốc hội cho hay, liên quan đến hoạt động tín dụng đen, hầu hết các nhóm tội phạm khi bị phát hiện không xử lý được, nếu không có hành vi cưỡng đoạt tài sản hoặc bắt giữ người trái pháp luật.

 

Đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội)

 

Thảo luận tại Nghị trường Quốc hội, Đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) nêu thực trạng, tội phạm và vi phạm pháp luật có liên quan đến hoạt động tín dụng đen gắn với các tổ chức đòi nợ thuê theo kiểu xã hội đen không chỉ tồn tại ở đô thị mà đang len lỏi nhanh về nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

 

Đồng quan điểm, đại biểu Phạm Huyền Ngọc (Ninh Thuận) cũng cho hay, hoạt động của các băng nhóm tội phạm nhất là liên quan đến bảo kê, tín dụng đen, kéo theo tình trạng siết nợ, đòi nợ thuê, bắt giữ người trái pháp luật diễn ra rất phức tạp có xu hướng lan rộng đến vùng nông thôn, miền núi.

 

Theo Giám đốc Công an tỉnh Ninh Thuận, hoạt động tín dụng đen từ Bắc vào Nam, từ Tây Nguyên xuống đồng bằng sông Cửu Long, ở đâu cũng có tờ rơi quảng cáo cho vay không cần thế chấp với lãi suất 2-30%, thậm chí 40%/tháng được cho phép đăng ký kinh doanh dịch vụ cầm đồ, hỗ trợ tài chính.

 

"Đối tượng thu hồi vốn và lãi hàng ngày, mỗi món vay không quá 50 triệu đồng, thỏa thuận lãi suất bằng miệng, không ghi vào giấy tờ hoặc biến tướng các khoản vay lớn bằng cách cho vay tiền mặt, nhưng ghi trong giấy tờ là thuê lại tài sản của chính mình, nhà, xe để đối phó với những quy định của pháp luật", ông Ngọc thông tin.

 

Theo vị đại biểu, trong khi Điều 201 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 có hiệu lực ngày 01/01/2018 quy định cho vay lãi suất gấp 5 lần mức lãi suất cao nhất của Bộ luật Dân sự và mức thu lợi bất chính từ 30-100 triệu đồng thì bị phạt tiền từ 50-200 triệu đồng hoặc cải tạo không giam giữ đến 3 năm. Như vậy, vay 50 triệu đồng lãi suất 20%/tháng trả 2 tháng cả gốc và lãi 70 triệu đồng vẫn chưa đủ căn cứ để xử lý hình sự, trong khi chưa có quy định xử lý hành chính về hành vi này.

 

"Vì vậy, hầu hết các nhóm tội phạm khi bị phát hiện không xử lý được, nếu không có hành vi cưỡng đoạt tài sản hoặc bắt giữ người trái pháp luật. Do đó, nhiều người mất nhà, mất đất, khốn cùng vì tín dụng đen, có cô giáo phải viết thư đề "kính gửi mấy anh xã hội đen xin được yên ổn để đi dạy" vì liên tục bị khủng bố do khoản nợ vay của chị dâu nhưng không biết gửi đi đâu, nghe thật đau lòng", ông dẫn ví dụ.

 

Về nội dung này, đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) cho biết : "Khắp nơi, ngay cả trên những tuyến đường lớn, những phố đẹp, tín dụng đen quảng cáo rao vặt công khai với cái gọi là hỗ trợ tài chính, vay nhanh, trả gọn, cầm đồ, bát họ... Nhân viên của các cơ sở tín dụng đen tìm đủ cách tiếp cận công nhân lao động và sinh viên, nhất là những người đang gặp khó khăn".

 

Theo đại biểu, công đoàn các cấp đã quan tâm tuyên truyền nhưng nhiều công nhân vì gặp khó khăn đột xuất như con cái ốm đau, cần tiền cho con ăn học, đến ngày phải trả tiền thuê nhà hay về quê giải quyết việc riêng vẫn phải chấp nhận vay dù biết rằng lãi suất rất cao, hầu hết đều trên dưới 200%/năm, lãi mẹ đẻ lãi con, người công nhân vốn đã khó khăn nay lại khốn khó bởi nợ nần chồng chất, nhiều công nhân phải bỏ việc, chuyển nhà đi nơi khác hoặc không dám đến nơi làm việc do bị đòi nợ.

 

Trong hoàn cảnh đó, không ít người bị hăm dọa, đánh đập, bắt giữ, có những gia đình tan nát vì tín dụng đen. Bản thân các cơ sở tín dụng đen do tranh dành ảnh hưởng thị phần nên đã xảy ra nhiều vụ ẩu đả thanh toán, tín dụng đen cũng là mảnh đất dung dưỡng những đối tượng tiền án, tiền sự nay tiếp tục dấn thân vào con đường tội phạm.

 

"Tín dụng đen đang bủa vây công nhân và sinh viên, đang công khai thách thức với chính quyền, gây bất an cho xã hội. Rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt của các cơ quan chức năng và chính quyền cơ sở", ông nói.

 

Đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ban, ngành và địa phương quan tâm chỉ đạo lực lượng công an và quản lý thị trường phối hợp với chính quyền cơ sở tổ chức các đợt truy quét tấn công tín dụng đen, sớm đưa ra xử lý một số vụ điển hình với hình phạt nghiêm khắc để răn đe và phòng ngừa chung.

 

Cùng với đó, các tổ chức tín dụng hợp pháp của nhà nước cần chủ động, tích cực tiếp cận công nhân lao động và sinh viên với các thủ tục cho vay thuận lợi, nhanh gọn, giúp công nhân và sinh viên khi có nhu cầu thì cần được tiếp cận tiền, tài chính với mức lãi suất phù hợp với điều kiện thực tế vào cuộc sống của họ./.

 


Số lượt đọc: 609 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác