NHỮNG NGÀY THÁNG TƯ LỊCH SỬ Ở BÀ RỊA VŨNG TÀU.
23/04/2020
Đầu năm 1975, tình hình trên chiến trường miền Nam chuyển biến mạnh mẽ. Trước sự suy sụp nhanh chóng của ngụy quyền, ngày 1-4-1975, Bộ Chính trị họp và hạ quyết tâm mở cuộc Tổng tiến công nổi dậy giải phóng Sài Gòn trong thời gian sớm nhất, tốt nhất là trong tháng 4-1975.

 

 

Thời cơ giải phóng miền Nam đã tới. Nhưng cũng không phải là dễ dàng, vì sau khi mất 2 quân khu phía Bắc, tàn quân ngụy dồn về Nam bộ, cùng với quân ngụy ở Quân khu 3, lập phòng tuyến ngăn chặn ở Tây Ninh, Phan Rang và Xuân Lộc.

 

Ngày 7-4-1975, Trung ương Cục, Quân ủy và Bộ Chỉ huy Miền quyết định sử dụng Quân đoàn 4 và Sư đoàn 6 (Quân khu 7) phối hợp tiến công tuyến phòng thủ Xuân Lộc và cùng lực lượng địa phương giải phóng Long Khánh, mở cửa hướng Đông vào Sài Gòn. Cùng ngày, Trung ương Cục chỉ đạo Tỉnh ủy Bà Rịa – Long Khánh chuẩn bị giải phóng Bà Rịa - Vũng Tàu.

 

Rạng sáng ngày 9-4-1975, cuộc tiến công giải phóng Xuân Lộc bắt đầu. Cuộc chiến đấu giằng co quyết liệt, đến ngày 21-4-1975 mới kết thúc, chính quyền ngụy ở Long Khánh tan rã, “Cánh cửa thép” Xuân Lộc bị đập tan, cửa ngõ hướng đông Sài Gòn đã mở.

 

Bà Rịa - Vũng Tàu được xem là hướng ngoại vi, quan trọng trong cuộc tiến công vào TP. Sài Gòn. Ngày 23-4-1975, Tỉnh ủy và Bộ chỉ huy Tỉnh Đội Bà Rịa họp ở Cẩm Mỹ, triển khai nhiệm vụ giải phóng tỉnh cho các địa phương, quán triệt phương châm tự lực của Quân ủy, Bộ chỉ huy Miền là: “Tỉnh giải phóng tỉnh lỵ, huyện giải phóng huyện lỵ, chi khu, xã giải phóng xã, ấp giải phóng ấp”.

 

✍️GIẢI PHÓNG CHI KHU ĐỨC THẠNH
Ngày 23-4-1975, Tỉnh ủy và Tỉnh đội Bà Rịa họp với Sư đoàn Sao vàng bàn kế hoạch phối hợp giải phóng Bà Rịa – Vũng Tàu. Phương án giải phóng Bà Rịa - Vũng Tàu được chia thành hai giai đoạn: giai đoạn 1 là giải phóng Bà Rịa và toàn tỉnh Phước Tuy, chiếm cầu Cỏ May; giai đoạn 2 là giải phóng Vũng Tàu.

 

17 giờ 30 ngày 26-4-1975, 19 khẩu trọng pháo của Sư đoàn đã trút bão lửa vào các căn cứ của địch, báo hiệu lệnh tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. 20 phút sau, pháo ta bắn cấp tập, áp đảo trận địa cho bộ binh xung phong, địch gọi pháo từ Bình Ba và Núi Đất bắn chặn các hướng cửa mở, dựa vào công sự kiên cố chống trả quyết liệt. Các mũi tiến công của ta được lệnh ngưng đợt 1 lúc 21 giờ để củng cố lực lượng.

 

23 giờ ngày 26-4, Trung đoàn 12 mở đợt tiến công lần thứ 2. Các trận địa pháo của địch tại Núi Đất, Bình Ba nã đạn dữ dội vào đội hình ta. Đại đội công binh của trung đoàn được lệnh tiến công vào trận địa pháo Bình Ba. Địch bỏ chạy tán loạn. Trung đoàn 12 cùng với các lực lượng huyện Châu Đức làm chủ Chi khu Đức Thạnh lúc 4 giờ sáng ngày 27-4-1975.

 

Các lực lượng của huyện có mặt lúc 6 giờ sáng cùng ngày, tiếp quản chi khu, quận lỵ, cử cán bộ về các ấp giúp đồng bào ổn định tình hình, kêu gọi ngụy quân, ngụy quyền đăng ký trình diện. Đây là quận lỵ đầu tiên của tỉnh được giải phóng.

 

✍️27-4: CỜ GIẢI PHÓNG BAY TRÊN ĐỈNH NHÀ TRÒN (BÀ RỊA)
17 giờ ngày 26-4-1975, trọng pháo của Sư đoàn Sao Vàng đồng loạt nổ súng vào tỉnh đoàn bảo an, khu tiếp liệu, tiểu khu Bà Rịa, Trung tâm huấn luyện Vạn Kiếp. Đại đội 4 xe tăng xuất kích từ hướng Núi Dinh cùng Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 141 theo sự hướng dẫn của đội biệt động thị xã tiến dọc đường Lê Lợi vào Bà Rịa. Sáng ngày 27-4, đội hình Tiểu đoàn 7 tiếp tục đánh vào khu tiếp liệu, khu an ninh, Ty cảnh sát và Sở chỉ huy Liên đoàn bảo an. 6 giờ sáng, ta chiếm toà hành chính rồi phát triển lực lượng ra hướng Cầu Mới, Ty chiêu hồi. Một mũi đánh ngược lên hướng Lộ 2, điểm nhà đá Cây Cầy. Trưa 27-4, ta làm chủ đoàn bảo an. Các cụm pháo Ông Trịnh, Láng Cát trên lộ 15 lần lượt rút chạy.

 

Ở phía Tây, Tiểu đoàn 9 đánh chiếm khu vực Núi Dinh, tiến vào thị xã Bà Rịa. Khẩu đội ĐKZ của Tiểu đoàn liên tiếp bắn cháy 2 xe tăng, buộc địch phải rút chạy. Trong khi đó, ở phía Đông, Tiểu đoàn 8 tiến công Trung tâm huấn luyện Vạn Kiếp, tình hình chiến sự phát triển thuận lợi. Đại đội 4 xe tăng cùng Tiểu đoàn 9 đánh xuống cầu Cỏ May, chuẩn bị tiến về giải phóng Vũng Tàu.

 

Tại Trung tâm huấn luyện Vạn Kiếp, bọn tân binh cùng bọn tàn binh tổ chức phòng thủ, ngoan cố chống trả. Tiểu đoàn 8 tổ chức tấn công quyết định. 15 giờ ta đập tan ổ kháng cự này. Ủy ban quân quản thị xã Bà Rịa thành lập lúc 18 giờ cùng ngày. Cờ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trên đỉnh lầu nước (Nhà Tròn) và khắp các đường phố của thị xã Bà Rịa.

 

✍️HUYỆN GIẢI PHÓNG HUYỆN, XÃ GIẢI PHÓNG XÃ
Thực hiện phương châm tiến công và nổi dậy nói trên, sáng ngày 27-4-1975, khi lực lượng vũ trang Xuyên Mộc bao vây, áp sát chi khu, địch tháo chạy hỗn loạn về Bà Rịa và Vũng Tàu. Trưa ngày 27-4, Xuyên Mộc được giải phóng.

 

👉Tại Long Điền:
c25 bộ đội huyện Long Đất cùng 15 du kích phối hợp với Tiểu đoàn 445 đánh vào Long Điền. 9 giờ sáng ngày 27-4, đồng chí Phạm Văn Quán, cơ sở mật tại Long Điền đã cắm cờ Mặt trận giải phóng miền Nam Việt Nam lên nóc chi khu quân sự địch. Sau khi làm chủ Long Điền, Tiểu đoàn 445 bố trí hai đại đội chốt ở ngã ba Long Điền, đánh tan các toán quân địch từ Bà Rịa và Trung tâm huấn luyện Vạn Kiếp chạy về, bảo vệ cho Sư đoàn Sao Vàng phát triển lực lượng về hướng Long Hải và Vũng Tàu.

 

👉Tại Đất Đỏ:
Trưa 27-4, đại đội du kích liên xã Long Tân – Phước Thạnh – Phước Thọ – Phước Hoà Long vừa được thành lập, phối hợp với đại đội 25 của huyện Long Đất tiến công Đất Đỏ, địch tan rã, bỏ súng, bỏ đồn chạy thoát thân. Các xã Phước Thạnh, Phước Thọ, Phước Hoà Long được giải phóng lúc 12 giờ 30 phút ngày 27-4-1975.

 

Lực lượng chính trị huyện và các chi bộ xã vận động quần chúng xuống đường thu chiến lợi phẩm, tước vũ khí, 16 giờ cùng ngày, xã Phước Lợi được giải phóng. C25 bộ đội Long Đất tiến về Long Hải chặn toàn bộ số tàn quân địch, huyện Long Đất được giải phóng hoàn toàn. Chiều 28-4-1975, ngư dân Phước Tỉnh được lệnh đưa bộ đội qua sông, giải phóng Vũng Tàu.

 

👉Tại Côn Đảo: Chớp thời cơ tự giải phóng
Trước ngày 30-4-1975, nhà tù Côn Đảo có 7.448 tù nhân, trong đó có 4.234 tù chính trị cầm cố trong 8 trại giam. Chúa đảo Lâm Hữu Phương cùng cố vấn Mỹ rút chạy từ chiều hôm trước. Đại úy Phạm Huỳnh Trung nắm quyền chỉ huy ra lệnh khóa chặt cửa các trại giam, tổ chức di tản và chuẩn bị thủ tiêu tù chính trị bằng lựu đạn vào giờ chót.

 

Tình thế đảo ngược khi Tổng thống ngụy Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng. Bọn ác ôn kinh hoàng tháo chạy, dẫm đạp lên nhau tại Cầu Tàu, tranh cướp ghe ra tàu Mỹ di tản. Sau khi kiểm tra nguồn tin bằng Rađiô và trực tiếp quan sát tình hình, những người có trách nhiệm ở Trại VII quyết định chớp thời cơ tự giải phóng.

 

Đảo ủy lâm thời được thành lập lúc 3giờ sáng ngày 1-5-1975 ngay sau khi Trại VII được giải phóng. Theo sự chỉ đạo của Đảo ủy, tù chính trị tổ chức lực lượng vũ trang, chia thành nhiều mũi, chiếm các vị trí xung yếu của đảo và mở cửa giải phóng cho các trại. 9 giờ sáng 1-5-1975, Đài phát thanh Côn Đảo phát tin tù chính trị hoàn toàn làm chủ Côn Đảo và công bố danh sách các thành viên trong chính quyền cách mạng.

 

Rạng sáng ngày 4-5, chuyến tàu chở lực lượng vũ trang ra giải phóng Côn Đảo cập bến cũng là lúc tình hình trên đảo đi vào ổn định. Ngày 5-5-1975, con tàu đầu tiên đưa các chiến sĩ tù nhân Côn Đảo về đến Vũng Tàu. Ủy ban quân quản Vũng Tàu tổ chức trọng thể cuộc mít tinh tại cảng Rạch Dừa chào đón những người con ưu tú của Tổ quốc vừa chiến thắng trở về.

 

👉Tại Tân Thành:
Trưa 27-4-1975, xã Mỹ Xuân được giải phóng. Được sự chỉ đạo của huyện, xã Phước Hoà tổ chức hai cánh quân giải phóng ấp Lam Sơn và khu trung tâm xã, sau đó tiếp tục bung ra chiếm lĩnh, kiểm soát các ấp còn lại. Chính quyền cách mạng lâm thời xã Phước Hoà được thành lập lúc 12 giờ ngày 27-4-1975.

 

✍️BA MŨI TIẾN CÔNG GIẢI PHÓNG VŨNG TÀU
Vũng Tàu và các vùng phụ cận trong những ngày 28, 29 và 30-4-1975 trở nên sôi động. Đại pháo ta từ Bà Rịa nã dữ dội vào thành phố Vũng Tàu. Sư đoàn 3 cùng lực lượng địa phương tiến công bằng ba mũi: một mũi tiến công từ Cửa Lấp đánh vào hướng Núi Nhỏ; một mũi qua cầu Cỏ May bằng 50 chiếc thuyền của nhân dân Phước Lễ, Long Hương tấn công vào Núi Lớn; một mũi tấn công vùng Lầy Rạch Cá Đôi chiếm núi Nưa.

 

Địch cho Vũng Tàu là hậu cứ an toàn của chúng, nhưng các cơ sở cách mạng đã ráo riết hoạt động từ nhiều tháng trước, công nhân nhà máy đèn, nhà máy nước đã được giác ngộ và tổ chức thành lực lượng cách mạng, làm chủ và bảo vệ nhà máy, bảo đảm nước và nguồn điện cho thành phố sau ngày giải phóng. Ủy ban khởi nghĩa phường Thắng Nhì tổ chức quần chúng cách mạng xuống đường chiếm trụ sở phường trước khi bộ đội chủ lực tiến vào.

 

Khi quân ta tiến công thành phố, bọn lính thủy đánh bộ chiếm giữ khách sạn Palace (nay là khách sạn Hoà Bình), chống trả quyết liệt và rất ngoan cố.

 

13 giờ ngày 30-4-1975, trung tá ngụy chỉ huy ở khách sạn Palace tự sát, bọn tàn quân vội kéo cờ trắng đầu hàng, cuộc tổng tiến công giành thắng lợi vẻ vang. Trung đoàn 12 luôn ghi nhớ hình ảnh hai em thiếu nhi ở Thắng Tam là Trương Ngọc và Võ Đình Thành hy sinh trong khi làm nhiệm vụ đưa đường tiểu đoàn 6 đánh chiếm khách sạn Palace, cứ điểm cuối cùng của địch.

 

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược kéo dài suốt 30 năm đã kết thúc thắng lợi bằng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 với đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Trong 30 năm ấy, với sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng đồng bào và chiến sỹ cả nước, quân và dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tự hào đã góp phần xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng đất nước.

 

Ảnh: ST

 

 

 

 

 

 


Số lượt đọc: 829 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác