Sinh năm 1960 và là một thương binh bậc 4/4, trở về quê hương lập nghiệp khi tổ quốc hòa bình, ông Hoàng Đình Hà ở thôn Mạc Bình, xã Thái Tân, huyện Nam Sách, Hải Dương đã có nhiều cống hiến và thành công trong cách làm giàu đáng để mọi người học tập và nể trọng.
Ông Hà tham gia chiến tranh biên giới phía Tây Nam rồi trở về quê xây dựng gia đình với người thanh niên xung phong cùng xã. Năm 1990, vợ chồng ông đấu thầu 01 mẫu ao ở gần nhà và được Hội Phụ nữ xã cho vay 01 triệu đồng làm vốn. Thái Tân vốn là một xã thuần nông nên vợ chồng ông xác định làm kinh tế là nhờ vào nghề nông, từ việc nuôi lợn, thả cá kết hợp nấu rượu, làm mì, 2 vợ chồng đã dần cải thiện được cuộc sống cùng cực của những năm tháng đầu lập nghiệp. Sau 2 năm ông bà đã trả được hết vốn vay ngân hàng và mua được một con bò đẻ, mỗi năm cho thu lãi 01 con bê. Xây dựng kinh tế không chỉ cho riêng mình, vợ chồng ông còn cấp lợn giống, bò giống cho bà con trong và ngoài xã làm kế sinh nhai. Ai có việc gì cần, gia đình ông đều giúp đỡ và chia sẻ kinh nghiệm mà không ngần ngại đắn đo.
Ngoài làm kinh tế cho gia đình ông còn nhiệt tình tham gia công tác xã hội ở địa phương. Từ 2002 đến nay, ông được giữ chức vụ phó chủ tịch Hội nông dân xã phụ trách công tác nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi kiêm trưởng thôn Mạc Bình. Vợ ông cũng không kém khi cùng thi đua với ông trong nhà cũng như ngoài xã hội. Bà luôn là một phụ nữ hoạt bát, nhanh nhẹn và tham gia nhiệt tình trong Ban chấp hành Hội phụ nữ xã. Năm 1999, bà vinh dự được Huyện Hội cử đi dự Hội nghị biểu dương phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, xóa đói, giảm nghèo tại Hà Nội và được Thủ tướng chính phủ tặng Bằng khen.
Khi đã được chứng kiến nhiều mô hình làm kinh tế giỏi tại địa phương cũng như các tỉnh thành khác, không chỉ dừng ở đó ông Hà bàn với vợ chọn mô hình nuôi chim cút để đưa kinh tế gia đình được đi lên. Ban đầu, công việc chăn nuôi còn bỡ ngỡ, không biết điểm giao hàng ở đâu. Và rồi nhờ tinh thần học hỏi và công sức tiếp thị của cả 2 vợ chồng, lô trứng nào sản xuất ra là bán hết ngay đến đó. Khi thấy nhu cầu thị trường đòi hỏi cao hơn, gia đình ông tiếp tục xây lò ấp trứng chim cút lộn và cung cấp chim cút quay cho người tiêu dùng trong huyện, ngoài tỉnh. Trang trại của ông giờ lúc nào cũng duy trì 5000 đến 7000 con chim cút. Bằng các nguồn thu nhập của gia đình, trừ chi phí mỗi năm ông bà Hà thu nhập gần 200 triệu đồng và thường xuyên tạo công ăn việc làm cho 5- 6 nhân công.
Dù là thương binh, sức khỏe không nhiều nhưng tinh thần hăng say làm việc của cả 2 ông bà và cách bắt nhịp với kinh tế thị trường nhạy bén một lần nữa đã giúp ông Hà chọn hướng đi triển vọng trong làm ăn kinh tế. Đó là năm 2014, gia đình ông với tiềm năng kinh tế từ nuôi chim cút đã mạnh dạn đầu tư nuôi cá lồng tại vùng dự án sông Kinh Thầy. Đến nay ông bà đã sở hữu trong tay 20 lồng cá với sản lượng 15-20 tấn mỗi năm cho doanh thu hơn 100 triệu đồng/năm.
Không chỉ được nhận bằng khen của Thủ tướng chính phủ về người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc. Với những thành tích, kết quả đạt được của bản thân và gia đình trong nhiều năm qua, ông Hoàng Đình Hà đã được Hội nông dân tỉnh cấp giấy chứng nhận hộ gia đình sản xuất kinh doanh giỏi và được các cấp tặng nhiều bằng khen, Giấy khen…
Có được những thành tích đáng để học tập trên là do ông đã nỗ lực cố gắng, cần cù, chịu khó và có tinh thần học hỏi, dám nghĩ, dám làm. Một thương binh dù “ tàn nhưng không phế”, một tấm gương được nhiều người biết đến và noi theo.