Ông Minh (bên phải) đang tuần tra trong rừng Núi Nhàn
Rừng Núi Nhàn giống như một bức bình phong che chở cho gần 260 hộ dân và trên 77 ha đất sản xuất nông nghiệp ở thôn An Thọ. Chính vì vậy, Hội Cựu chiến binh xã đã thành lập tổ tự quản rừng nguyên sinh Núi Nhàn vào tháng 3/1980 với 6 người, trong đó có 03 người thường xuyên canh giữ, bảo vệ do ông Trần Đức Minh làm tổ trưởng. Thành công lớn nhất chính của việc bảo vệ rừng là thay đổi được suy nghĩ của người dân trong việc đồng lòng giữ màu xanh nguyên thủy của Núi Nhàn giống như giữ lá phổi xanh của cộng đồng. Ông Trần Đức Minh cho hay: "Khu vực thôn An Thọ đất đai bạc màu không sản xuất được, sản xuất đâu thì khô đó, từ đó quyết tâm của địa phương là thành lập tổ tự quản để giữ lại có màu xanh cho rừng và cây lúa, hoa màu tươi tốt của nông dân, nếu không có rừng tốt, xanh như thế này thì sản xuất không hiệu quả".
Hiện Núi Nhàn vẫn còn nguyên vẹn, không có chuyện chặt đốn cây lấy gỗ, củi hay khai thác đá. Người dân địa phương ở đây rất tự hào vì quê hương họ có một khu rừng nguyên sinh phong phú và những lợi ích do rừng mang lại. Bằng tâm huyết và sự say mê với rừng, tổ tự quản bảo vệ rừng đang ngày đêm ra sức bảo vệ nhằm giữ màu xanh của rừng Núi Nhàn cho các thế hệ mai sau.
Ông Nguyễn Văn Luận - Chủ tịch Hội CCB xã Tịnh Sơn cho biết: "Rừng này là nơi che giấu cán bộ trong thời chiến tranh, sau giải phóng khu rừng này được chính quyền địa phương quan tâm bảo vệ giữ là di tích lịch sử của Tịnh Sơn, trong Tịnh Sơn chỉ có khu rừng này là khu rừng nguyên sinh từ hồi giờ không có ai chặt phá, đối với Tịnh Sơn giữ rừng này để tạo màu xanh cho quê hương đẹp, lưu truyền sau này lại cho con cháu mình mai sau biết khu này là di tích lịch sử của Tịnh Sơn".
Mang trong mình phẩm chất của người lính Cụ Hồ gần 40 năm qua, ông Minh cùng những đồng đội của mình vẫn thầm lặng làm tốt công việc giữ rừng. Hàng ngày, ông vào tận sâu trong rừng, kịp thời phát hiện những dấu hiệu khả nghi để có biện pháp ngăn chặn. Nhất là vào mùa nắng nắng cao điểm, công tác phòng cháy rừng luôn được đặt lên hàng đầu. Đối với ông Trần Đức Minh một thân cây phải mất hàng chục, thậm chí hàng trăm năm mới lớn lên. Bác Hồ đã từng nói: “Rừng là vàng, biển là bạc”. Chính vì vậy, bảo vệ được rừng, phát huy hiệu quả từ rừng, khai thác hợp lý và có kế hoạch thì đời sống của người dân cũng sẽ khá lên./.