Sau 4 năm nghiên cứu tại các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Viện nghiên cứu Cao su Việt Nam đã khảo nghiệm thành công nhiều giống cao su có khả năng chịu rét như IAN 873, RRIV 124, RRIV 1… Đây là những giống cao su có khả năng sinh trưởng tốt, phù hợp với điều kiện khí hậu các tỉnh miền núi phía Bắc.
Để phục vụ cho công tác nghiên cứu, khảo nghiệm tìm bộ giống thích hợp, Viện nghiên cứu Cao su Việt Nam đã thiết lập hệ thống 9 vườn khảo nghiệm giống sơ tuyển và sản xuất thử với quy mô hơn 150 ha ở hầu hết các tỉnh miền núi phía Bắc. Trong quá trình khảo nghiệm, nhiều giống cao su vô tính có nguồn gốc trong nước và nước ngoài đã được đưa vào sản xuất thử. Ngoài ra, để xác định các giống thích hợp cho từng vùng cụ thể, các vườn cao su đã được khảo nghiệm ở nhiều độ tuổi và trồng ở các độ cao khác nhau.
Quá trình trình khảo nghiệm được thực hiện trong thời gian dài, dưới sự tác động của nhiều đợt rét đậm, rét hại kéo dài xảy ra ở các tỉnh miền núi phía Bắc vào năm 2008 và đầu năm 2011. Từ kết quả nghiên cứu và đánh giá tác động của thời tiết đến sự sinh trưởng, phát triển đối với cây cao su, các nhà chuyên môn cho biết: ở khu vực Tây Bắc, vườn cao su sử dụng giống RRIC 100, RRIM 600 bị thiệt hại nhiều nhất sau các đợt rét; còn giống RRIV 124 và IAN 873 có khả năng sau khi rét và chỉ thiệt hại ở mức nhẹ. Tại vùng Đông Bắc, kết quả đánh giá rét hại trên các vườn khảo nghiệm giống cho thấy, nhiều giống cao su như IAN 873, VNg 77-2, RRIV 1.. có thể phát triển ổn định trong điều kiện nhiệt độ thấp.
Với kết quả khảo nghiệm giống tại các tỉnh miền núi phía Bắc, Viện nghiên cứu Cao su Việt Nam đã đề xuất cơ cấu giống cao su cho vùng núi phía Bắc giai đoạn 2011 – 2015. Theo đó, các giống RRIV 124, IAN 873, RRIM 712 là những giống sinh trưởng khỏe, có khả năng chịu rét tốt và phù hợp với điều kiện khí hậu vùng Tây Bắc. Đối với vùng Đông Bắc và một số tiểu vùng có điều kiện tương tự, các giống cao su IAN 873, VNg 77-2 và VNg 77-4 sẽ phù hợp với điều kiện của vùng.
Cao su là cây trồng có nguồn gốc nhiệt đới, nên nhiệt độ thấp là yếu tố ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng cũng như sản lượng mủ của cây. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng 18 độ C là ngưỡng nhiệt độ giới hạn cho quá trình sinh trưởng của cây. Ở các tỉnh miền miền núi phía Bắc, nhiệt độ không khí xuống thấp vào mùa Đông là yếu tố hạn chế hàng đầu đối với việc phát triển cây cao su. Những năm gần đây, nhiều đợt rét đậm, rét hại xảy ra liên tiếp đã gây thiệt hại nghiêm trọng đối với sản xuất nông nghiệp và cây cao su ở các tỉnh phía Bắc. Vì thế, việc nghiên cứu chọn giống cao su thích hợp cho vùng có ý nghĩa sống còn đối với việc phát triển cây cao su trên quy mô lớn./.